Nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Thứ tư - 08/11/2023 03:44
Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Hỗ trợ hệ thống hạ thủy phần mật ong cho HTX nông sản xanh Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh
Hỗ trợ hệ thống hạ thủy phần mật ong cho HTX nông sản xanh Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh
Sau khi Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã tổ chức triển khai học tập, quán  triệt Nghị quyết cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, qua đó cán bộ công chức, viên chức và người lao động đã nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể như: Nghị quyết 68/2022/NQ-HĐND Quy định mức chi hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025 và mức vốn điều lệ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Quảng Trị; Chương trình hành động số 47-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, Quyết định số 3011/QĐ-UBND ngày 24/11/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025.
Riêng lĩnh vực hợp tác xã nông nghiệp, đã ban hành nhiều kế hoạch như: Quyết định số 3159/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đổi mới và phát triên hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2784/QĐ-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Kế hoạch phát triển một số liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030;…
Sau 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, tính đến 30/8/2023, toàn tỉnh có 304 HTX nông nghiệp và 01 LHHTX nông nghiệp hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012. Tỷ lệ HTX nông nghiệp được đánh giá khá tốt chiếm trên 58%, trong đó: loại tốt 58 HTX (chiếm 21,89%), loại khá 96 HTX (chiếm 36,23%), trung bình 99 HTX (37,36%), yếu kém 12 HTX (4,53%).
Nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động đúng bản chất và đưa lại hiệu quả kinh tế, các HTX chuyên ngành được ưu tiên tập trung phát triển để gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất như: HTX lâm nghiệp bước  đầu đã hình thành 06 vườn ươm giống cây lâm nghiệp để cung ứng dịch vụ cây giống tại chỗ cho thành viên, thành lập được các tổ đội khai thác gỗ rừng trồng…; Các HTX sản xuất và kinh doanh cà phê chủ động củng cố và xác lập lại tư cách    thành viên, đầu tư máy móc thiết bị, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chế biến sâu, tổ chức liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp; Các HTX nông nghiệp tổng hợp cũng đã đẩy mạnh tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao để liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp trong tỉnh cũng như các doanh nghiệp ngoại tỉnh như: Công ty Vitar Mart, Công ty cổ phần Tổng công ty thương mại Quảng Trị. Bên cạnh đó, đã có nhiều mô hình HTX sản xuất rau củ quả công nghệ cao, cao dược liệu, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, canh tác lúa theo hướng tự nhiên... như HTX Đông Triều, HTX Tân Hợp, HTX dược liệu Trường Sơn, HTX Hùng Anh…
Có hơn 20% (66 HTX) HTX nông nghiệp tham gia thực hiện tiêu thụ sản phẩm cho thành viên thông qua hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm như: lúa gạo chất lượng cao 400 ha (công ty Cổ phần tổng công ty thương mại Quảng Trị, các công ty giống...), chanh leo 120 ha (công ty Giải pháp vàng, công ty T9, Công ty Nafood Tây Bắc), cà phê 300 ha (Cát Quế, Công ty Slow Việt Nam, Tường Linh…), dược liệu 30 ha (Đông Nam dược Bảo Linh, Cổ phần đầu tư và Phát triển Tâm Xanh)...
Có 16 HTX xây dựng được sản phẩm OCOP với 25 sản phẩm. Trong đó: 16 sản phẩm 4 sao và 09 sản phẩm 3 sao, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa gạo, dược liệu, cà phê, hồ tiêu…
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều tồn tại khó khăn, hạn chế: Tỷ lệ HTX nông nghiệp xếp loại trung bình và yếu kém vẫn còn cao (gần 42%), tỷ lệ hợp tác xã có liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể khác vẫn còn thấp (20%), số chủ thể là HTX tham gia Chương trình OCOP còn ít, nhiều HTX chưa xác định được sản phẩm chủ lực để xây dựng và phát triển. Quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX còn nhỏ, chủ yếu hoạt động trên địa bàn thôn nhưng lại thiếu tính liên kết giữa các HTX nông nghiệp với nhau; Bên cạnh đó, công tác dồn điền đổi thửa chưa được thực hiện một cách quyết liệt, dẫn đến việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Việc tìm kiếm thị trường đầu ra còn gặp nhiều khó khăn. Năng lực của đội ngũ cán bộ hợp tác xã nông nghiệp còn nhiều hạn chế…
Để giải quyết những khó khăn nêu trên, cần tăng cường nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò của kinh tế tập thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về KTTT, chú trọng tuyên truyền ở các khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức, sự quan tâm đối với khu vực kinh tế tập thể, từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận động thành lập mới hợp tác xã ở những khu vực này. Đào tạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã về các kỹ năng quản lý điều hành, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường, đàm phán ký kết hợp đồng, ứng dụng chuyển đổi số…; Rà soát và đánh giá thực trạng hoạt động của các HTX nông nghiệp thành viên để nghiên cứu thực hiện một số nhiệm vụ như: hợp nhất, sáp nhập, tái cấu trúc hoạt động của các HTX dịch vụ tổng hợp quy mô nhỏ hoạt động kém hiệu quả thành các HTX quy mô toàn xã; Phát triển mô hình liên hiệp HTX nông nghiệp gắn với các sản phẩm chủ lực có lợi thế; Hỗ trợ các HTX xây dựng các sản phẩm chủ lực, tiến tới chuẩn hóa sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP. Tăng cường hỗ trợ HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận với nguồn vốn quỹ hỗ trợ hợp tác xã để tạo điều kiện cho các HTX mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Tác giả bài viết: Hoa Lệ - Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT Quảng Trị

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây