Xây dựng và hoàn thiện mô hình hợp tác xã kiểu mới

Thứ hai - 13/11/2023 20:26
Triển khai thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Quảng Trị đã lựa chọn và phê duyệt 05 hợp tác xã để xây dựng hợp tác xã kiểu mới gồm HTX Văn Quỹ, HTX Thủy Ba Tây, HTX Dược liệu Trường Sơn, HTX Tân Hợp và HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong. Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tập thể nói chung và các hợp tác xã kiểu mới nói riêng.
Hỗ trợ hệ thống nhũ hóa mỹ phẩm cho HTX dược liệu Trường Sơn
Hỗ trợ hệ thống nhũ hóa mỹ phẩm cho HTX dược liệu Trường Sơn
Các mô hình được lựa chọn để tham gia Đề án bao gồm: Mô hình HTX sản xuất sản phẩm OCOP, gắn với du lịch nông thôn, miền núi; Mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản; Mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (HTX có sản phẩm đạt OCOP 4 sao, chứng nhận vùng nguyên liệu hữu cơ…)
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã ưu tiên, quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã tham gia đề án nhằm sớm hoàn thiện các mô hình đã đăng ký. Việc hỗ trợ tập trung vào các khâu sơ chế, chế biến sâu nhằm hoàn thiện sản phẩm như: Hỗ trợ đầu tư hệ thống chưng cất dược liệu và mỹ phẩm cho HTX dược liệu Trường Sơn và hệ thống ép chanh leo cho HTX sản xuất kinh doanh, dịch vụ thương mại nông nghiệp Tân Hợp;  Hỗ trợ đầu tư nhà kho phục vụ hoạt động sơ chế, bảo quản gạo và thiết bị, máy móc phục vụ xay xát lúa cho HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Văn Quỹ; Hỗ trợ nhà kho phục vụ sơ chế, chế biến và bảo quản dược liệu cho HTX dược liệu Trường Sơn; Hỗ trợ hạ tầng cho vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tại HTX Thủy Ba Tây....
Hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP cho các hợp tác xã gồm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận Vietgap, bảo hộ nhãn hiệu; Hỗ trợ hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chanh leo và dược liệu. Lồng ghép tổ chức đào tạo, tập huấn, học tập kinh nghiệm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hơn 15 người là các thành viên Hội đồng quản trị các hợp tác xã tham gia đề án.
Sau 03 năm triển khai thực hiện đề án, các HTX đều có sự thay đổi tích cực. Các hợp tác xã đã chủ động rà soát tổ chức, hoạt động, kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX; chủ động giải quyết, khắc phục các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa các quy trình để quản trị HTX một cách hiệu quả. Thực hiện chế độ quản lý tài chính, kế toán theo quy định, cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, thường xuyên và kịp thời cho các thành viên HTX. Xây dựng và triển khai phương án sản xuất kinh doanh, tập trung vào các nội dung, tiêu chí hoàn thiện theo kế hoạch như: huy động tăng vốn sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; hợp tác liên kết với doanh nghiệp, HTX khác theo chuỗi giá trị; thu hút thêm thành viên tham gia, cung cấp thêm các sản phẩm dịch vụ cho các thành viên HTX. Tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; các HTX đã tập trung liên kết để tạo ra các vùng sản xuất quy mô lớn (lúa hữu cơ, dược liệu, chanh leo…), phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng liên kết với doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao, gắn với tăng trưởng xanh; một số HTX liên kết với bà con nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa để phát triển các vùng nguyên liệu tập trung (chanh leo, tràm năm gân…); giúp tạo việc làm, hỗ trợ cho người yếu thế trên địa bàn.
Để sớm hoàn thiện, nhân rộng các HTX tham gia Đề án trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ các hợp tác xã sớm hoàn thiện các mô hình kiểu mới, đặc biệt là một số mô hình khó thực hiện như: Mô hình HTX sản xuất sản phẩm OCOP, gắn với du lịch nông thôn, miền núi, mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất … Trong đó, ưu tiên nguồn lực để  hỗ trợ hợp tác xã đầu tư hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh và quản lý của hợp tác xã. Đào tạo cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ và thành viên của hợp tác xã. Khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có trình độ từ cao đẳng trở lên về làm việc lâu dài tại hợp tác xã. Hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của hợp tác xã đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển hợp tác xã trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP, mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên nhằm gia tăng giá trị nông sản.

Tác giả bài viết: Hoa Lệ - Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT Quảng Trị

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây