Giải pháp nâng cao hiệu quả một số chỉ tiêu về tổ chức sản xuất trên địa bàn huyện Gio Linh

Thứ sáu - 08/09/2023 04:34
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Gio Linh đã gặp không ít khó khăn, thách thức do tác động của tình hình quốc tế và trong nước diễn biến khó lường; ảnh hưởng do thiên tai, đại dịch Covid-19; giá cả nhiều mặt hàng nông sản xuống thấp, giá nhiên liệu, vật tư tăng cao; nhiều yếu tố phức tạp đã tác động bất lợi đến đời sống của Nhân dân và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên và sự giúp đỡ, hướng dẫn của các sở, ban ngành, sự đoàn kết, thống nhất của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng Doanh nghiệp, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn huyện thống nhất ý chí và hành động, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Ảnh: Sản phẩm OCOP 4 sao Dầu gội bồ kết thảo dược của Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị,  huyện Gio Linh
Ảnh: Sản phẩm OCOP 4 sao Dầu gội bồ kết thảo dược của Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị, huyện Gio Linh
  Lĩnh vực Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Giá trị nông nghiệp năm 2022 đạt 1.473,4 tỷ đồng, tăng 107,3 tỷ đồng so với năm 2020; ước thực hiện năm 2023 là 1.488,4 tỷ đồng.
 Với mục tiêu huyện đạt chuẩn NTM mới trước năm 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đến cuối năm 2022, toàn huyện có 12/15 xã đạt chuẩn, huyện đạt 04/9 tiêu chí.
Một số chỉ tiêu về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn huyện có 35 HTX nông nghiệp, có 42,5% xếp loại khá, tốt; năm 2023 có 02 HTX nông nghiệp thành lập mới (HTX sản xuất thương mại và dịch vụ Sông Hiếu ở xã Gio Mai và HTX nông lâm thủy hải sản Gio Hải ở xã Gio Hải). Có 08 sản phẩm OCOP của 03 chủ thể (04 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 04 sản phẩm đạt hạng 03 sao). Có 03 làng nghề nông thôn đang hoạt động (nghề chẻ đá ở Gio Sơn, nghề đan lát Lan Đình, Phong Bình, nghề hấp sấy cá ở Gio Việt) đã thu hút nhiều lao động, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Tuy nông nghiệp của huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức: Một số lĩnh vực chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế của huyện, số HTX trung bình và yếu còn cao (14 HTX trung bình, 05 HTX xếp loại yếu). Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm đặc trưng, có giá trị của huyện còn thiếu quyết liệt, chủ thể tham gia chương trình OCOP chưa nhiều (hiện chỉ có 3 xã, thị trấn và 03 chủ thể có sản phẩm OCOP). Chưa khai thác được các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh và thu hút được chủ thể tham gia Chương trình vì vậy khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu của bộ tiêu chí Nông thôn mới nâng cao. Chưa có làng nghề được UBND tỉnh công nhận, các sản phẩm làng nghề chưa thực sự tinh xảo, còn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh chưa cao.
Để khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của huyện trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế gắn với sản phẩm OCOP, xây dựng chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng thực hiện một số chỉ tiêu về tổ chức sản xuất như phát triển hợp tác xã có hiệu quả, xây dựng sản phẩm OCOP, bảo tồn và phát triển các làng nghề, trong đó tập trung một số giải pháp sau:
Tổ chức rà soát toàn diện thực trạng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn để đánh giá thực chất về hoạt động của các Hợp tác xã, từ đó phân loại và có giải pháp chỉ đạo phù hợp, trong đó:
Đối với loại hình HTX dịch vụ nông nghiệp, cần có lộ trình và định hướng hợp nhất, sáp nhập các HTX quy mô nhỏ, hoạt động trên địa bàn thôn để hình thành HTX quy mô lớn hơn, thuận lợi trong quá trình triển khai tổ chức sản xuất, thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết;
Đối với các HTX chuyên ngành: định hướng phát triển theo hướng mở rộng các dịch vụ để khai thác giá trị tăng thêm trong chuỗi giá trị ngành hàng, tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh: thủy hải sản, cây ăn quả, dược liệu…; 
Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện dự án hỗ trợ liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm, có cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng sản xuất tập trung, xây dựng nhà máy sản xuất chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đồng thời, tăng cường công tác quảng bá các mặt hàng do nông dân sản xuất trên địa bàn. Khuyến khích xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển du lịch cộng đồng;
Đối với chương trình OCOP: Chỉ đạo các phòng chuyên môn cấp huyện, UBND cấp xã, các đơn vị, tổ chức liên quan trên địa bàn vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm hơn hơn nữa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình; khảo sát, đánh giá, hỗ trợ các chủ thể đăng ký ý tưởng, chuẩn hóa sản phẩm để tham gia chương trình. Phát triển các sản phẩm OCOP mới gắn với vùng nguyên liệu tập trung, có thế mạnh của địa phương như thủy hải sản, hồ tiêu, cây dược liệu. Phát triển chương trình trên địa bàn các xã chưa có, nâng cấp các sản phẩm đã được cộng nhận. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình; kiểm tra việc thực hiện tiêu chí của các chủ thể OCOP, sản phẩm OCOP đã được công nhận nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, bảo vệ uy tín và phát triển thương hiệu OCOP.
Xây dựng phương án bảo tồn và phát triển các làng nghề, rà soát, hỗ trợ các, làng nghề, làng nghề truyền thống đủ điều kiện để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét công nhận theo đúng quy định. Kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các làng nghề, làng nghề truyền thống, đối với các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nghiên cứu phương án quy hoạch, di dời đến các cụm công nghiệp tập trung. Rà soát, đánh giá năng lực hoạt động của các tổ nhóm sản xuất, làng nghề truyền thống, từ đó xem xét định hướng xây dựng các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của cộng đồng để tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tác giả bài viết: Hoa Lệ - Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT Quảng Trị

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây