ừ thuở thơ bé chập chững theo mẹ xuống bến đợi thuyền của người cha trở về từ biển khơi đã in hằn trong ký ức của chị Thiếc về hình ảnh những người mẹ, người chị miền biển còng lưng gồng gánh cá, tôm băng qua đồi cát rát bỏng, tỏa đi khắp các phiên chợ để bán. Số tiền thu được từ mớ cá, tôm cũng chỉ đủ đắp đổi cuộc sống khó nghèo, bấp bênh của đời ngư dân… Hình ảnh ấy đã dưỡng nuôi trong lòng chị ước mơ biến mớ tôm, cá thành hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao.
Chị Nguyễn Thị Thiếc kể, trước năm 2012, chị cùng chồng đóng chiếc thuyền công suất nhỏ rồi cùng nhau lênh đênh trên biển để thu mua thủy, hải sản của ngư dân đánh bắt được. “Làm nghề thu mua thủy hải sản trên biển vô cùng vất vả, hiểm nguy bởi phải luôn đối mặt với sóng to, gió lớn khi ở trên biển, nên đến năm 2012 tôi bàn với chồng quyết định chuyển sang nghề làm cá nục muối phơi sương xuất bán đi các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai…”.
Cá nục muối phơi sương không phải phơi trong sương, mà đơn giản là cá nục tươi xanh mới được đánh bắt về từ biển, chị Thiếc thu mua rồi ngâm vào nước muối, sau đó rửa lại bằng nước ngọt và đem phơi khoảng 1 ngày (không được quá khô) thì đóng vào thùng giấy gửi đi tiêu thụ… Chị “bén duyên” với con sứa mà ngư dân thường gọi là loài “bọt biển” trong một chuyến mang hàng ra tỉnh Thái Bình bán.
Tại đây, chị hết sức bất ngờ khi thấy người dân thu mua và chế biến con sứa biển thành sứa khô để xuất khẩu. Với bản tính nhanh nhạy, chị lập tức ký hợp đồng làm tiếp thị sản phẩm sứa khô tại Quảng Trị và là đầu mối thu mua sứa của ngư dân để nhập cho thương lái…
Cuối năm 2012, chị Thiếc tìm đến các cơ sở sản xuất sứa khô tại Thái Bình, Thanh Hóa để học nghề chế biến, đóng gói sứa biển. Sau khi nắm vững kỹ thuật, đầu năm 2013, với số tiền 300 triệu đồng vay của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, chị bắt tay vào xây dựng nhà xưởng, mua máy móc mở cơ sở chế biến sứa khô ngay tại xã Gio Việt.
Chị Thiếc cho biết, gọi là sứa khô nhưng thực chất là sứa biển được tách hết nước. Công nghệ để biến những con sứa trôi dạt trên bờ biển trở nên trắng, giòn… rất đơn giản. Sứa biển thu mua về được cắt riêng phần đầu và phần thân.
Phần đầu được cho vào máy xay cắt thành từng sợi dài đều nhau; còn phần thân được cắt thủ công bằng dao nhưng cũng phải đều sợi. Sau đó đưa vào bể quay sử dụng mô tơ điện gắn với các cánh quạt để trộn sứa. Sứa biển được quay liên tục trong 10 - 12 giờ để tách nước ra khỏi thân sứa rồi đưa vào các bể ướp muối khoảng 20 ngày thì mang ra chế biến.
Cách chế biến sứa cũng đơn giản. Sứa được rửa sạch chất mặn rồi cho vào chậu chứa khoảng 20 kg, sau đó cho nước lọc và một ít dấm gạo ngâm trong thời gian khoảng 15 - 20 phút rồi bắt đầu đóng gói thành sản phẩm. Sản phẩm “Sứa Cửa Việt” thường có màu sắc trắng đục tươi ngon, dùng để làm các món ăn như gỏi sứa, nộm sứa, sứa chấm ruốc…
Mỗi năm Cơ sở chế biến thủy sản Nguyễn Thị Thiếc xuất bán ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… khoảng 40 tấn sản phẩm. Sản phẩm “Sứa Cửa Việt” hiện đang được chị Thiếc xúc tiến làm thủ tục để trở thành sản phẩm OCOP.
Riêng 2 sản phẩm OCOP đạt hạng sản phẩm 3 sao là mắm ruốc, mắm cá rò… cũng là cơ duyên với chị. Đó là khoảng 2016, khi công việc làm sản phẩm “Sứa Cửa Việt” đang tiến triển thì xảy ra sự cố môi trường biển, cơ sở của chị bị tồn lại gần 20 tấn sứa khô đã chế biến buộc phải tiêu hủy, thiệt hại hơn 600 triệu đồng. Không nản chí, chị chuyển hướng sang sản xuất cá khô, tép khô, mắm ruốc, mắm cá rò, làm tương ớt, trồng nấm…
Và từ năm 2016 đến nay, chị Thiếc chuyên tâm vào sản phẩm mắm ruốc, mắm cá rò trở thành sản phẩm OCOP đạt hạng sản phẩm 3 sao. Khi nói về sản phẩm OCOP mắm cá rò, chị Thiếc cho biết, cá rò là loài cá có nhiều ở vùng nước lợ cửa sông hoặc vùng ven biển. Cá rò có xương mềm, vảy óng ánh và thịt cá vô cùng ngọt thơm đã được người dân mang về ướp ủ làm mắm.
Để có được hương vị đặc trưng của biển và độ ngon tuyệt hảo của thịt cá rò thì việc làm mắm cá rò vô rất công phu. Cá rò sau khi thu mua của ngư dân sẽ được ướp với muối theo tỉ lệ 4 kg cá rò, 1 kg muối trong thời gian khoảng 2 ngày, sau đó vớt cá rò để cho ráo nước muối. Cá rò sau khi ráo nước sẽ được trộn với cháo gạo nếp lỏng rồi tiến hành ủ trong khoảng 2 tháng thì mắm cá rò có thể sử dụng được…
Và lúc ấy, mắm cá rò sẽ được chị Thiếc trộn thêm gia vị để bán ra thị trường. Hiện tại, mỗi hộp mắm cá rò trọng lượng 0,5 kg có giá bán là 30.000 đồng; hộp 0,2 kg bán với giá 15.000 đồng. Mắm cá rò thường làm nước chấm ăn kèm với thịt ba chỉ hoặc rau sống…
Còn cách chế biến sản phẩm OCOP mắm ruốc thì vào khoảng thời gian từ tháng 11 của năm trước kéo dài cho đến tháng 4 (âm lịch) năm sau, khi ruốc biển theo từng đợt sóng ngoài khơi xa trôi dạt vào bờ, dân vùng biển bãi ngang bắt đầu đi dọc bờ biển, bằng mắt thường quan sát mặt nước biển đang trong xanh dần chuyển sang màu đỏ đậm, sủi bọt tí tách lên mặt nước để xác định vị trí của đàn ruốc.
Ngư dân sẽ nhanh chóng dùng vàng mức (lưới kéo) kéo bằng tay hoặc dùng tàu, thuyền có công suất từ 10 - 45 CV để kéo dạ hoặc te đánh bắt ruốc biển. Khi ấy, những người làm nghề mắm, ruốc như chị Thiếc sẽ trực tiếp xuống bờ để thu mua.
Ruốc sau khi thu mua từ ngư dân sẽ được chị Thiếc rửa sạch và trộn với muối (tỉ lệ 6 xô ruốc tươi, 1 xô muối (ruốc mặn); 12 xô ruốc tươi, 1 xô muối (ruốc nhạt) để khoảng 24 giờ thì vớt xác ruốc ra riêng, nước muối ruốc có màu đỏ au thì để lại.
Xác ruốc vớt ra được mang đi phơi nắng khoảng 1 ngày là đến công đoạn cho vào máy xay mịn, trộn với nước muối ruốc đảo đều rồi cho vào chum, vại và tiếp tục mang phơi nắng khoảng nửa tháng thì bắt đầu chín tới.
Ruốc càng phơi được nắng, càng dậy mùi thơm ngào ngạt… Hiện tại, mỗi hộp mắm ruốc trọng lượng 1 kg có giá bán 70.000 đồng; hộp trọng lượng 0,5 kg có giá bán là 30.000 đồng; hộp trọng lượng 0,2 kg có giá bán 15.000 đồng. “Đến bây giờ, cơ sở chế biến thủy sản của gia đình tôi mới sở hữu 2 sản phẩm OCOP, còn sản phẩm “Sứa Cửa Việt” hiện đang được xúc tiến làm thủ tục để trở thành sản phẩm OCOP. Trong tương lai gần, Cơ sở chế biến thủy sản Nguyễn Thị Thiếc sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP để bán ra thị trường.
Ước mơ biến những sản vật của biển khơi thành sản phẩm OCOP của tôi phần nào trở thành hiện thực. Và chính những sản phẩm OCOP từ biển khơi với đầu ra ổn định sẽ là “chìa khóa” để góp phần tăng giá trị khai thác và chế biến thủy sản; từng bước nâng cao thu nhập cho ngư dân không chỉ trên địa bàn thị trấn Cửa Việt, xã Gio Việt, huyện Gio Linh”, chị Thiếc chia sẻ.
Tác giả bài viết: Hải An
Nguồn tin: baoquangtri.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn