Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị gắn với phát triển sản phẩm OCOP

Thứ sáu - 10/11/2023 03:08
Được hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất thông qua các dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, dự án thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm - hạng mục hỗ trợ máy móc, thiết bị gắn với phát triển sản phẩm OCOP, đến nay, nhiều cơ sở sản xuất trong tỉnh đã vận dụng hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm trên thị trường.
Hỗ trợ hệ thống hạ thủy phầm mật ong cho HTX Nông sản xanh Vĩnh Hòa
Hỗ trợ hệ thống hạ thủy phầm mật ong cho HTX Nông sản xanh Vĩnh Hòa
Năm 2023, Chi cục Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai thực hiện 05 dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được phân bổ vốn tại Quyết định số 2504/QĐ-UBND ngày 28/9/2022, Quyết định số 732/QĐ-UBND ngày 14/4/2023 của UBND tỉnh và 05 dự án Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, hạng mục hỗ trợ máy móc, thiết bi, nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được phân bổ vốn tại Quyết định số 3333/QĐ-UBND ngày 22/12/2022 của UBND tỉnh.
Hợp tác xã Nông sản xanh Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh là một trong các đơn vị được hỗ trợ mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Giám đốc HTX Nông sản Xanh Vĩnh Hòa Trần Văn Hưng cho biết: “HTX vừa mua hệ thống hạ thủy phần mật ong để phục vụ cho việc chế biến sản phẩm trước khi đóng gói, trị giá 120 triệu đồng, trong đó được nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng. Nhờ có sự quan tâm hỗ trợ thiết thực này, HTX chúng tôi đã giảm chi phí đầu tư trang thiết bị”. Anh Hưng cho biết thêm, trước đây khi chưa đầu tư hệ thống hạ thủy phần, HTX phải thực hiện việc hạ thủy phần mật ong bằng phương pháp thủ công, vừa tốn nhân công, vừa chất lượng không cao. Từ khi có hệ thống hạ thủy phần mật ong, sản phẩm mật ong của HTX đã được nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đồng thời thể hiện sự chuyên nghiệp hóa trong các khâu sản xuất.
Đối với Làng nghề truyền thống rượu Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, nhờ nguồn vốn hỗ trợ hơn 87 triệu đồng cộng với kinh phí tự có để đầu tư dây chuyền sản xuất rượu mà HTX đã mở rộng được quy mô sản xuất. Anh Nguyễn Hữu Phước, Phó ban điều hành làng nghề cho biết, thuận lợi nhất là làng nghề được lựa chọn máy móc phù hợp nhu cầu, cân đối được nguồn vốn đối ứng, số vốn được dự án hỗ trợ đã góp phần không nhỏ giúp làng nghề giảm chi phí đầu tư. Trong điều kiện làng nghề còn nhiều khó khăn, chính sách hỗ trợ này đã động viên kịp thời giúp làng nghề có điều kiện để mạnh dạn mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trong và ngoài tỉnh, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.
0410112023
Hỗ trợ thiết bị lão hóa và khử độc tố rượu HTX nông nghiệp và dịch vụ Đá Bàn, xã Ba Nang, huyện Đakrông 

Tại huyện Gio Linh có công ty TNHH Nhiên thảo Quảng TrỊ, TT Gio Linh được hỗ trợ đầu tư máy chiết xuất dược liệu, thảo dược; CSSX bún Trần Thị Phương được hỗ trợ đầu tư máy đánh bột, máy cán bột và máy cắt bột. Huyện Đakrông có HTX nông nghiệp và dịch vụ Đá Bàn, xã Ba Nang được hỗ trợ đầu tư thiết bị lão hóa và khử độc tố rượu. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ đầu tư nhiều thiết bị hiện đại, tiện dụng cho các cơ sở sản xuất như hệ thống hạ thủy phần mật ong và máy xiết nút chai cho hộ nuôi ong Hoàng Văn Quang, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ; máy sấy lạnh 2 buồng cho hộ kinh doanh Trần Văn Khánh, TT Khe Sanh, huyện Hướng Hóa; bồn composite chứa nước mắm cho công ty Cổ phần sản xuất thương mại tổng hợp Mỹ An, TT Diên Sanh, huyện Hải Lăng; máy nghiền bột nhang cho HTX tổng hợp Hương Thảo Mộc VT, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh. Tổng số vốn thực hiện 10 dự án là trên 1,6 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 800 triệu đồng.
Nhằm đảm bảo quá trình xây dựng và triển khai các dự án đúng quy định, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, chính quyền, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các địa phương tổ chức làm việc với các chủ thể để lấy ý kiến, rà soát nhu cầu hỗ trợ, triển khai nội dung, hình thức hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ… của dự án theo quy định hiện hành của nhà nước. Các chủ thể đã thống nhất cao và cam kết thực hiện dự án, góp vốn đối ứng theo đúng quy định.
Có thể thấy, các dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, dự án thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm hạng mục hỗ trợ máy móc, thiết bị gắn với phát triển sản phẩm OCOP do Chi cục Phát triển nông thôn triển khai thực hiện trong năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, chế biến... Thiết bị được hỗ trợ là do chủ thể lựa chọn, đề xuất nên rất phù hợp với kế hoạch, quy trình sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Bước đầu cả 10 dự án triển khai chủ thể đã phát triển 14 sản phẩm, trong đó UBND tỉnh đã công nhận 5 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 3 sao, có 4 sản phẩm đã hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023.
Thời gian tới rất cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước để phát huy vai trò đồng hành với chủ thể sản xuất xây dựng thêm nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản địa phương.

Tác giả bài viết: Thanh Bình - Chi cục PTNT tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây