Tiềm năng dược liệu miền nắng gió

Thứ sáu - 13/10/2023 21:41
Quảng Trị có vị trí địa lý kinh tế - chính trị quan trọng, có các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt xuyên Việt đi qua, là ngã ba gặp gỡ giữa các tuyến giao thông huyết mạch xuyên Việt (Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh), xuyên Á (Quốc lộ 9) được coi là hành lang Đông Tây nối Việt Nam - Lào - Thái Lan - Mianma và các nước khác trong khu vực.,
Các sản phẩm trà thảo dược của HTX Hùng Anh, Đakrông
Các sản phẩm trà thảo dược của HTX Hùng Anh, Đakrông
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa đã tạo ra cho Quảng Trị nguồn dược liệu dồi dào, phong phú và chất lượng cao hơn các địa phương khác nhờ những lợi thế đặc thù về địa chất, địa hình và khắc nghiệt của khí hậu. Từ những tiềm năng, lợi thế này, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khai thác và phát triển thành các vùng nguyên liệu về dược liệu, gắn với các cơ sở chế biến, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu mang lại giá trị kinh tế cao trên thị trường (trà, cao dược liệu…).
Nắm bắt được nhu cầu xã hội ngày càng hướng đến sử dụng các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường và có lợi cho sức khỏe, các sản phẩm thảo dược được ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, giá trị kinh tế mang lại từ việc trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác nên Quảng Trị đã đẩy mạnh thực hiện phát triển dược liệu gắn với Chương trình OCOP
Tính đến nay, có gần 50% sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu đạt OCOP 3 sao, 4 sao và có 01 sản phẩm đang đề nghị để công nhận sản phẩm 5 sao với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng.  
Nhiều chủ thể trên địa bàn tỉnh đã thành công trong việc khai thác và phát triển sản phẩm từ dược liệu điển hình như: Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy đã xây dựng thành công thương hiệu Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thuỷ với 4 sản phẩm (Cáo cà gai leo, cao chè vằng…); Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân với 10 sản phẩm (Cao Cà gai leo An Xuân (GMP) được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao công bố dưới dạng thực phẩm chức năng và đang đề nghị công nhận sản phẩm 5 sao, Cao An xoa, Trà Diếp cá,…); Hợp tác xã Dược liệu Trường Sơn với 3 sản phẩm (Tinh dầu tràm, tinh chất dưỡng da...) ; Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị với 05 sản phẩm (Cao bồ kết thảo dược,  Bồ kết túi lọc,…); HTX dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh với 03 sản phẩm (Trà thất tiên thảo, Trà trinh nữ…);...

4
Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân có 10 sản phẩm OCOP có nguồn gốc dược liệu đạt hạng 4 sao 

Tuy nhiên, việc phát triển dược liệu trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng miền. Quy mô vùng nguyên liệu còn nhỏ, hạ tầng và quy trình sản xuất chưa hoàn thiện. Chưa xác định được danh mục các loài dược liệu có lợi thế của tỉnh để ưu tiên đầu tư phát triển. Việc khai thác, sử dụng các loài dược liệu trong tự nhiên chưa gắn với các giải pháp bảo tồn và phát triển. Thiếu các Doanh nghiệp có quy mô lớn, chế biến sâu đầu tư vào sản phẩm dược liệu, chủ yếu tiêu thụ ở dạng sản phẩm làm thực phẩm (trà, cao dược liệu…). Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu và chưa đồng bộ,…
Giai đoạn tới, việc khai thác tiềm năng về dược liệu cần tập trung đa dạng hóa sản phẩm từ dược liệu theo một số hướng như: sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm của Chương trình OCOP, bao gồm các dược liệu dạng rau-củ-quả tươi sống, dược liệu đã qua chế biến dưới dạng bánh, bột, mứt,…; hướng sản phẩm thuộc ngành hàng đồ uống của Chương trình OCOP như các loại trà từ thảo dược (trà thô, trà tan), đồ uống đóng chai/lon, cao thực phẩm, các loại đồ uống có cồn, nhu nước uống lên men, rượu vang; Theo hướng sản phẩm thuộc ngành hàng thảo dược của Chương trình OCOP như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc từ dược liệu, thuốc Y học cổ truyền,... ; Sản phẩm thuộc ngành hàng thủ công mỹ nghệ, lưu niệm của Chương trình OCOP, chủ yếu là các sản phẩm được đóng gói và trình bày thành các đơn vị nhỏ bán cho khách du lịch để làm quà biếu, thường dưới dạng thực phẩm, đồ uống, tinh dầu, mỹ phẩm; Sản phẩm thuộc ngành hàng dịch vụ du lịch của Chương trình OCOP như dịch vụ dưới dạng điểm du lịch trải nghiệm thảo dược như tham quan, trải nghiệm, chăm sóc sức khỏe (ăn, uống, tắm,...) và điều trị (thiền, tắm, masage,...)...
Việc phát triển dược liệu đúng định hướng và hiệu quả giúp đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hình thành các vùng nguyên liệu dược liệu mang tính hàng hóa, đảm bảo theo các tiêu chuẩn an toàn gắn với xây dựng, công nhận các sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tác giả bài viết: Hoa Lệ - Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT Quảng Trị

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây