Khai thác thế mạnh dược liệu bản địa
Đakrông là huyện có quy mô đất đai khá rộng lớn của tỉnh Quảng Trị (chiếm hơn 1/4 diện tích đất toàn tỉnh). Trong đó đất nông nghiệp 5.017 ha, đất lâm nghiệp 56.586 ha, quỹ đất hoang bằng và hoang đồi núi chưa sử dụng của huyện còn khá lớn, trong đó phần lớn là đất dốc thích hợp cho trồng cây lâm nghiệp. Đất có địa hình đồi chiếm một diện tích khá lớn phù hợp trồng các loại cây công nghiệp có giá trị cao như cà phê, tiêu, cao su. Đất phù sa sông, nhất là vùng thung lũng Ba Lòng phù hợp trồng cây nông nghiệp như bắp, đậu ... Đây là tiềm năng có thể khai thác vào sản xuất góp phần phát triển kinh tế.
Mặc dù định cư trên vùng đất màu mỡ nhưng người dân địa phương chưa khai thác được tiềm năng thế mạnh. Vì thế, Đakrông vẫn còn là huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Trị. Kết quả điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn huyện Đakrông cho thấy, đến cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo toàn huyện là 5.175 hộ với 24.411 nhân khẩu, chiếm 43,69%; cận nghèo 1.156 hộ với 4.920 nhân khẩu, chiếm 9,76% (tăng 1,99% so với cuối năm 2021).
“Tôi mong muốn sản xuất ra sản phẩm thảo dược từ vùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, trước hết là để giới thiệu các giá trị văn hoá, sau đó là phát triển kinh tế cho người dân”.
Nguyễn Văn Hùng ở khóm 2, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, Quảng Trị
Vùng đất Đakrông giàu các loại thảo dược tự nhiên, nhu lá như đinh lăng, tích diệp đằng, chè vằng, nhưng bấy lâu nay người dân ở Đakrông thường có thói quen chặt các cây dược liệu về phơi khô vừa để uống và vừa để bán cho các thương lái nên chất lượng không được đảm bảo, giá thành không cao. Với mong muốn xây dựng sự nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Văn Hùng ở khóm 2, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông luôn trăn trở làm sao phải biến những loại thảo dược này thành loại trà ngon, có thể bảo quản lâu phục vụ cho thị trường.
Trải qua một thời gian tìm tòi, anh sản xuất thử bằng phương pháp thủ công, sản phẩm có hương vị dậm đà, thơm ngon, được người dùng đánh giá cao. Năm 2020 anh Nguyễn Văn Hùng thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh.
“HTX thành lập với mong muốn hỗ trợ bà con về mặt kỹ thuật, ứng dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng một quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm rồi phát triển nhãn mác bao bì sản phẩm để sản phẩm có tính thương mại hoá, đưa ra thị trường”, anh Hùng tâm sự.
Đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 cấp tỉnh
HTX đã đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến sản xuất trong môi trường khép kín, cho ra đời các sản phẩm trà thảo mộc “Thất Tiên Thảo” và “Trà Trinh Nữ”. Đây là 2 loại trà thảo dược có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên gồm: Đinh lăng, tích diệp đằng, sa nhân, thổ phục linh, phúc bồn tử, hồ điệp, chè vằng. Sản phẩm không sử dụng bất kỳ chất điều vị và phụ gia nào.
Hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh có 9 thành viên, mỗi tháng sản xuất gần 500 hộp trà các loại. Nguyên liệu thu mua của bà con vùng bản được khai thác từ các khu rừng nguyên sinh. Bên cạnh thu mua, HTX còn đầu tư xây dựng các nhà kín, nhà màng với 500 m2 để chủ động thêm một nguyên liệu.
Trà “Thất Tiên Thảo” và “Trà Trinh Nữ” có công dụng nổi bật như: hỗ trợ tiêu hóa, thải độc, lợi tiểu, giúp người sử dụng ăn ngon, ngủ sâu, cải thiện tình trạng chán ăn, mất ngủ, phù hợp với tất cả các lứa tuổi, sở dĩ có được điều đó là nhờ vào tính an toàn tuyệt đối của sản phẩm. Trà có màu vàng nâu đẹp mắt, hương vị rất riêng.
Trà Thất Tiên Thảo và Trà Trinh Nữ được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh
Bên cạnh sự cố gắng của các thành viên HTX, còn được Phòng NN&PTNT huyện Đakrong giúp đỡ , hỗ trợ phân tích, kiểm nghiệm, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đầu năm 2019, sản phẩm trà “Thất Tiên Thảo”, “Trà Trinh Nữ” được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh giai đoạn 2019-2021. “ Thất Tiên Thảo” “Trà Trinh Nữ” được coi như là sự kết hợp hài hòa từ những “tinh hoa đất trời Đakrông”.
Ông Trần Đình Bắc, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Dakrong cho biết, trà “ Thất Tiên Thảo” “Trà Trinh Nữ” là sản phẩm tiêu biểu của huyện. UBND huyện đã cử các HTX có sản phẩm OCOP đi trưng bày sản phảm từ Bắc vào Nam và gửi sản phẩm tham gia các hội chợ. Ngoài ra, khi có chủ trương số hoá về nông nghiệp UBND huyện đã liên kết với bưu điện đăng ký vừa trưng bày vừa đăng sản phẩm trên snà thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm của huyện.
Hiện nay, sản phẩm Trà “Thất Tiên Thảo” “Trà Trinh Nữ” có mặt tại các cửa hàng nông sản sạch, bưu điện Quảng Trị , các siêu thị trong tỉnh. Sản phẩm cũng có mặt các TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh: Phú Thọ, Thái Bình và Quảng Bình. Thời gian tới, HTX Hùng Anh hoàn thiện hồ sơ để nâng hạng OCOP cho 2 sản phẩm này, đồng thời quyết tâm đưa “Thất Tiên Thảo” là một trong những sản phẩm chủ đạo để đầu tư phát triển xa hơn.
Tác giả bài viết: Trường Nhật
Nguồn tin: baotnvn.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn