Triển khai các biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản

Thứ tư - 07/12/2022 21:52
Hiện toàn tỉnh có 91 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Song song với mục tiêu tiếp tục phát triển mới sản phẩm, thời gian qua, ngành nông nghiệp triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các chủ thể OCOP thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế nông thôn.
Sản phẩm của Công ty Monfarm đã được kết nối tiêu thụ tại nhiều siêu thị, điểm bán lẻ trên toàn quốc - Ảnh: B.B
Sản phẩm của Công ty Monfarm đã được kết nối tiêu thụ tại nhiều siêu thị, điểm bán lẻ trên toàn quốc - Ảnh: B.B

Tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc tại thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội vào cuối tháng 8/2022, tỉnh Quảng Trị có 6 gian hàng, 8 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) là chủ thể của các sản phẩm OCOP.

Dịp này, Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại thực phẩm sạch Monfarm (gọi tắt là Công ty Monfarm) kết nối với Siêu thị Nutrimart, TP. Hà Nội, Công ty TNHH Dược liệu thiên nhiên Ngọc Bích kết nối với Công ty Sơn Hải ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên để tiêu thụ sản phẩm.

Công ty Monfarm ở TP. Đông Hà là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Các sản phẩm tiêu biểu của công ty gồm sữa bắp tươi, cốm gạo lứt, trà mướp đắng, cốt gừng mật ong và trà bí đao, muối cá lá Gia Hân... Có hai sản phẩm cốm gạo lứt rong biển và muối cá lá đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP.

Giám đốc Công ty Monfarm Trần Thị Trang cho biết: “Việc đưa các sản phẩm vào hệ thống siêu thị giúp công ty tăng giá trị cũng như số lượng sản phẩm bán ra. Đồng thời, thông qua việc giới thiệu, bán sản phẩm tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các sản phẩm của công ty đã đến gần hơn với người tiêu dùng. Đó cũng là cơ sở, nền tảng để các sản phẩm có thêm cơ hội được quảng bá đến với nhiều siêu thị, hệ thống siêu thị hiện đại trong cả nước”.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các ngành chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP.

Trong đó, Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT), Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hoàn thiện sản phẩm, phát triển thương hiệu để đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong các siêu thị, chuỗi bán lẻ.

Triển khai thực hiện đề án đổi mới phương thức kinh doanh và tiêu thụ nông sản năm 2022, hỗ trợ 124.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 15 chủ thể OCOP. Phối hợp với Bưu điện tỉnh tập huấn giới thiệu và hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Đến nay có trên 95% sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Bà Trần Thị Ánh Hương, đại diện HTX Nông nghiệp sạch Đông Triều chia sẻ: “Tham gia vào các hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, chúng tôi có cơ hội kết nối với nhiều nhà phân phối là các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị tại các địa phương trong nước...

Mong rằng trong thời gian tới, tỉnh sẽ có thêm các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản để các DN, HTX mở rộng mạng lưới phân phối, đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng trong cả nước”.

Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và chương trình OCOP, Chi cục PTNT cũng đã triển khai 12 dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm, bao gồm xây dựng chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO), thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác…

Thông qua các dự án hỗ trợ đã giúp chủ thể hoàn thiện sản phẩm, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, tăng uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ngoài những nỗ lực trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản nói chung, các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP nói riêng của các ngành chức năng, hiện nay vẫn còn khá nhiều sản phẩm chưa kết nối tiêu thụ được với các siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại, cửa hàng tiện lợi.

Các hoạt động xúc tiến mới chỉ dừng lại ở mức biên bản ghi nhớ và còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của các DN, HTX, cơ sở sản xuất (CSSX). Nhiều chủ thể sản xuất chưa thực sự chú trọng công tác markerting, quảng bá sản phẩm. Năng lực đàm phán, ký kết hợp đồng, kỹ năng tổ chức tham gia các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại của một số DN, HTX, CSSX còn hạn chế, chưa thống nhất được chính sách bán hàng với các nhà phân phối.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP từ nguồn vốn sự nghiệp xây dựng nông thôn mới không bao gồm việc tổ chức tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, hội chợ… trong nước.

Để việc sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản được thực hiện hiệu quả hơn, ngành chức năng cần tăng cường rà soát năng lực, nhu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản. Thực hiện có hiệu quả công tác kết nối tiêu thụ nội địa giữa các DN sản xuất, HTX, nông dân với DN thu mua, cơ sở chế biến, các hệ thống phân phối, tiêu thụ hoặc thông qua các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản.

Có chính sách khuyến khích các DN tại địa phương thực hiện mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ngoài ra, cần bố trí nguồn kinh phí phù hợp để đơn vị chức năng làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Tác giả bài viết: Bảo Bình

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây