Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”: Nâng tầm nông sản địa phương

Chủ nhật - 14/08/2022 21:18
“Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế. Việc nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ khi các sản phẩm được phân hạng theo tiêu chí đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP sẽ góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương” - ông Hoàng Minh Trí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết. 
Sản phẩm Gạo sạch Triệu Phong đã được kết nối, tiêu thụ tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh
Sản phẩm Gạo sạch Triệu Phong đã được kết nối, tiêu thụ tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh
Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 làng nghề truyền thống, 288 hợp tác xã, 235 tổ hợp tác và một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn phát triển khá toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất cà phê, vùng sản xuất hồ tiêu, vùng sản xuất cây dược liệu…. Chính vì vậy, việc triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh sẽ là một giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. OCOP sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng.
Sản phẩm của Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong (Triệu Tài, Triệu Phong) được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là sản phẩm chủ lực trong triển khai chương trình OCOP của huyện cũng như của tỉnh. Trung bình mỗi tháng HTX cung ứng được hơn 30 tấn gạo sạch. Nhờ chủ động đổi mới chất lượng, mẫu mã, nâng cấp công nghệ, sản phẩm của HTX đã được công nhận nhãn hiệu, chứng nhận hữu cơ, kết nối thành công đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, phát triển thương hiệu địa phương.
Ông Hoàng Quang Dưỡng – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong cho biết: Để triển khai chương trình OCOP, huyện Triệu Phong đã kết nối với các ngành, các đơn vị cung ứng hỗ trợ tập trung phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng và các cơ quan chuyên môn tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 
Quảng Trị là địa phương nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: Cây dược liệu (chè vằng, cà gai leo, an xoa); gạo chất lượng cao; tinh dầu thiên nhiên, cà phê, hồ tiêu, chuối, nước mắm…
Để triển khai thực hiện chương trình OCOP năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các huyện, thành, thị tổ chức rà soát thực trạng sản phẩm hiện có tại các địa phương, dự kiến sản phẩm đặc sản truyền thống, sản phẩm đặc trưng có lợi thế thực hiện chương trình OCOP. Qua rà soát, toàn tỉnh có 75 sản phẩm đặc sản, đặc trưng có lợi thế, thuộc 6 nhóm về thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm, nội thất, trang trí, vải và may mặc, dịch vụ nông thôn. Trên cơ sở 75 sản phẩm đặc sản, đặc trưng có lợi thế của tỉnh, lựa chọn dự kiến để tiêu chuẩn hóa nhằm phát triển thêm khoảng 40 – 50 sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh việc triển khai Chương trình vẫn còn hạn chế do đặc thù của từng địa phương. Cụ thể như một số sản phẩm chưa quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn rất hạn chế, chủ yếu là sản xuất thủ công. Trong khi đó, một số sản phẩm có chất lượng, sản lượng tốt thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và các biện pháp để truy xuất nguồn gốc nhưng phải cạnh tranh về giá và thị trường với các sản phẩm cùng loại hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa hợp chuẩn, hợp quy gây khó khăn trong khâu tiêu thụ...
Theo ông Hoàng Minh Trí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: Nhằm thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai chương trình OCOP năm 2022, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về những lợi thế khi tham gia chương trình OCOP, các địa phương cần rà soát, xác định cụ thể các tổ chức kinh tế, các hộ sản xuất tham gia chương trình để có phương án hỗ trợ, xây dựng, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc các cá nhân có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế được ổn định, lâu dài. Các địa phương cũng cần tập trung hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia quảng bá, tiếp thị giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, thông qua hoạt động thương mại điện tử, các điểm giới thiệu sản phẩm, liên kết với các tua tuyến du lịch, lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Với những tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, sự vào cuộc của các ngành, địa phương và sự nỗ lực của các chủ thể, tin tưởng rằng qua Chương trình OCOP sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng, sản phẩm nghề mới có sự khác biệt để từng bước xây dựng thương hiệu, nâng tầm sản phẩm nông sản địa phương, tạo khả năng cạnh tranh trên thị trường.
 

Tác giả bài viết: Hoa Lệ - Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT Quảng Trị

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây