Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP

Thứ tư - 15/02/2023 20:53
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh đã đưa lại những thành quả nổi bật từ nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất”trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cả nước. Để nâng cao giá trị sản xuất, khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP trên thị trường, tỉnh đã chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, chế biến và kinh doanh góp phần hoàn thiện các tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt nhất.
Sản phẩm dầu lạc của Công ty TNHHMTV Từ Phong đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh - Ảnh: V.T.H
Sản phẩm dầu lạc của Công ty TNHHMTV Từ Phong đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh - Ảnh: V.T.H

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 119 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng Trung ương công nhận OCOP 5 sao, 41 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao và 77 sản phẩm chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Có 59 chủ thể, trong đó có 16 chủ thể là hợp tác xã, 4 chủ thể là tổ hợp tác, 17 chủ thể là doanh nghiệp, 22 hộ sản xuất kinh doanh. Tỉnh xác định mục tiêu đến cuối năm 2025 có thêm 100 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 - 3 sản phẩm 5 sao, 15 - 20 sản phẩm 4 sao, có 1 - 2 sản phẩm OCOP là sản phẩm du lịch cộng đồng. Đến năm 2030, có thêm 100 sản phẩm OCOP, sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh đến thời điểm này đạt từ 5 - 7 sản phẩm.

Để phục vụ phát triển các sản phẩm OCOP, nâng cao sức cạnh tranh, làm tăng danh tiếng của sản phẩm, đặc biệt là nông sản chủ lực của tỉnh, những năm qua, Sở KH&CN đã tích cực đồng hành hỗ trợ, tư vấn các đơn vị, doanh nghiệp, hộ sản xuất về ứng dụng, chuyển giao công nghệ; xây dựng bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Nghị quyết số 163/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 tạo điều kiện tốt để Sở KH&CN đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KHKT trong phát triển sản xuất các loại sản phẩm thuộc chương trình OCOP. Sở KH&CN đã tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP về xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng.

Tính đến hết năm 2022, Sở KH&CN đã hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoàn thiện các tiêu chí công nhận của 39 sản phẩm OCOP của tỉnh đạt sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, phần lớn trong số đó là các sản phẩm thuộc nhóm nông sản thế mạnh của tỉnh và được người tiêu dùng đón nhận.

Năm 2022, sản phẩm tiêu Cùa được công nhận nâng hạng là sản phẩm OCOP 4 sao. Ngoài xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn cơ sở, hệ thống quản lý chất lượng thì trong thời gian qua, HTX đã nhận được sự hỗ trợ công nghệ sấy tiêu từ Sở KH&CN giúp nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 4 sao của sản phẩm tiêu Cùa.

Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa Trần Hà cho biết, HTX rất chú trọng ứng dụng các tiến bộ KHKT trong khâu trồng, chăm sóc cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch.

Trong đầu tư thiết bị chế biến cũng theo từng công đoạn, ngoài sự huy động từ nội lực của các thành viên để đầu tư máy móc, HTX cũng nhận được sự hỗ trợ từ Sở KH&CN về hướng dẫn các quy trình sản xuất, chế biến sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP cao cấp. Nhờ đó, sản phẩm hồ tiêu của HTX luôn bảo đảm đầu ra ổn định, người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong sản xuất là một trong những giải pháp then chốt để phát triển chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Sở KH&CN đã đồng hành, hỗ trợ các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp nhằm đáp ứng bộ tiêu chí để phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Những năm qua, Sở KH&CN đã tiến hành tư vấn, hỗ trợ chuyển giao các quy trình công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất các sản phẩm OCOP tiêu biểu như: Dầu Lạc SUPPER GREEN của Công ty TNHH MTV Từ Phong; chuyển giao công nghệ sấy tiên tiến trong bảo quản và chế biến, nâng cao giá trị chuối quả trên địa bàn tỉnh cho sản phẩm OCOP “Chuối sấy dẻo” của Công ty TNHH Green Globe; tư vấn, hướng dẫn công nghệ sấy đối với sản phẩm tiêu Cùa của HTX Nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất “Dầu gội bồ kết thảo dược” của Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị...

Theo đó, các sản phẩm công nhận đạt OCOP từ 3 sao đến 4 sao phải đạt điều kiện tối thiểu về năng lực sản xuất quy mô lớn. Sản phẩm thuộc nhóm đặc sản, thế mạnh của địa phương và có doanh số bán hàng tương đối lớn. Có chứng nhận về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến như: tiêu chuẩn hữu cơ, ISO 22:000, HACCP, GACP... Những sản phẩm OCOP đạt 4 sao trở lên đều đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.

Cùng với sự đồng hành của ngành KH&CN tỉnh đã góp phần duy trì, phát triển và nâng hạng những sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm đáp ứng tiêu chí sản phẩm OCOP nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, góp phần mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Đào Ngọc Hoàng cho biết: Để phát huy tốt vai trò của KHCN tham gia thực hiện chương trình OCOP của tỉnh, thời gian tới sẽ tập trung ưu tiên những nhiệm vụ KH&CN như: tăng cường hỗ trợ thiết bị, hướng dẫn các quy trình sản xuất tiến bộ; triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, lồng ghép với việc thực hiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch phát triển chung theo từng ngành, lĩnh vực của địa phương để đồng hành, phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ với các sản phẩm như: gạo sạch, rau an toàn, gà an toàn,... đáp ứng các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Sở KH&CN tiếp tục triển khai đánh giá tình hình sử dụng nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận các sản phẩm đặc sản địa phương, nhất là các sản phẩm tham gia OCOP để có các phương án hỗ trợ; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị hồ sơ, thủ tục xác lập nhãn hiệu...

Các hoạt động hỗ trợ của Sở KH&CN đã giúp các doanh nghiệp, tổ chức, hộ sản xuất, kinh doanh không ngừng nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và gia tăng sản lượng để nâng tầm sản phẩm OCOP của tỉnh.

Tác giả bài viết: Võ Thái Hòa

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây