Đẩy mạnh Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

Thứ hai - 03/10/2022 02:57
Sau hơn 03 năm triển khai Chương trình quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), tỉnh Quảng Trị đã từng bước tạo thương hiệu cho nông sản địa phương, định danh nông sản, xây dựng chuỗi giá trị hướng đến đưa sản phẩm của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Chương trình OCOP tỉnh trao giấy chwungs nhận OCOP cho các chủ thể năm 2021
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Chương trình OCOP tỉnh trao giấy chwungs nhận OCOP cho các chủ thể năm 2021
Vài nét về Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2021
Ngày 07/5/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các làng nghề, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh làm chủ thể thực hiện; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và cơ chế, chính sách để hỗ trợ thực hiện. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn.
Để triển khai thực hiên chương trình, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 4565/KH-UBND ngày 18/10/2018 về việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2020; Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 09/04/2021 về thực hiện Chương trình OCOP  năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đến cuối năm 2021 toàn tỉnh có 90 sản phẩm OCOP, trong đó có 18 sản phẩm hạng 4 sao và 72 sản phẩm hạng 3 sao; Có 51 chủ thể có sản phẩm OCOP, trong đó: 12 HTX, 15 DN, 4 tổ hợp tác và 20 Hộ sản xuất kinh doanh. Chương trình bước đầu đã có những kết quả đáng ghi nhận, góp phần khơi dậy tiềm năng, nâng tầm giá trị các sản phẩm đạc sản, có thế mạnh của địa phương. Đa số sản phẩm OCOP Quảng Trị đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nhiều sản phẩm đã tham gia vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại, sàn TMĐT.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả giai đoạn 2022 - 2025
Ngày 29/9/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND về Thực hiện Chương trình OCOP  giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Chương trình đặt ra các mục tiêu cụ thể: phấn đấu có thêm 100 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 2 - 3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 1 – 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch; Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu mỗi năm có thêm 4 – 6 HTX có sản phẩm OCOP. Đến cuối năm 2025 có ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX và 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; Có ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của tỉnh; Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử;…); phấn đấu mỗi huyện, thị xã có 01 – 02 điểm bán hàng OCOP, riêng thành phố Đông Hà có 08 - 10 điểm bán hàng OCOP; 100% cán bộ các cấp (thành viên hội đồng, tổ giúp việc OCOP các cấp; cán bộ cấp xã), lãnh đạo doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức các chuyên đề thuộc Chương trình OCOP.
Theo ông Trịnh Văn Tuấn -  Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp Việt Nam, Chương trình OCOP là cơ hội để các tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, dịch vụ tiêu biểu, dễ dàng tiếp cận với các đối tác kinh doanh mở rộng thị trường cung cấp sản phẩm, nâng cao giá trị, thu nhập, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Quảng Trị là tỉnh có lợi thế phát triển các sản phẩm nông sản tạo thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Một số sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng tiềm năng của tỉnh bước đầu nâng cao được khả năng cạnh tranh, dần đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng trong và ngoài nước.
Một số giải pháp trọng tâm
Chương trình OCOP đã tạo hiệu ứng tích cực, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Để Chương trình OCOP tiếp tục đi vào chiều sâu, các ngành chức năng của Quảng Trị cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức đến các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong toàn tỉnh về Chương trình OCOP. Công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức với những giải pháp, biện pháp cụ thể, thiết thực, đồng bộ và cần được triển khai sâu rộng. Bên cạnh đó, phát huy tối đa vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng và một số hình thức khác như: Pano, áp phích, đối thoại trực tiếp, hội nghị... Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang về OCOP trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị, Trang Thông tin điện tử OCOP tỉnh…. Tập trung công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ Nhà nước trong hệ thống OCOP; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về phát triển sản phẩm tại các địa phương nhằm hỗ trợ các chủ thể sản xuất có điều kiện tham gia.
Hai là, xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy, hệ thống tư vấn thực hiện OCOP. Muốn thực hiện thành công Chương trình OCOP trước hết phải có bộ máy chuyên trách từ cấp tỉnh đến xã; hội đồng đánh giá sản phẩm cấp tỉnh, huyện. Những thành viên được lựa chọn vào trong bộ máy phải là những người am hiểu về Chương trình OCOP, về thế mạnh và tiềm lực của các sản phẩm ở địa phương mình phụ trách. Xây dựng hệ thống hỗ trợ Chương trình OCOP: Hệ thống tư vấn hỗ trợ, hệ thống đối tác OCOP, hệ thống sản xuất. Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy điều hành, triển khai Chương trình OCOP các cấp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu/phần mềm quản lý chương trình; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP.
Ba là, cần thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách cụ thể cho Chương trình OCOP để hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy sâu rộng và đồng bộ; cơ chế chính sách quan tâm đến việc hỗ trợ phát triển theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị nhằm khai thác sản phẩm thế mạnh, đặc hữu của địa phương, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập trên địa bàn. Vì thế, cần thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây con chủ lực, củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với HTX và doanh nghiệp, sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn.
Bốn là, nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm. Số hóa, hướng cụ thể hồ sơ minh chứng các tiêu chí theo từng bộ tiêu chí đánh giá để tạo điều kiện cho các chủ thể có thể truy cập và lập hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng một cách chính xác và nhanh nhất. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu, tạo cho các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Năm là, đổi mới và đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đổi mới hình thức, phương pháp xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm chủ lực thông qua các cuộc hội chợ, triển lãm. Hình thành các điểm bán hàng OCOP để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP (đạt 3 sao trở lên) ở cấp tỉnh và cấp huyện. Đẩy mạnh việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử nhằm tăng cường kết nối cung cầu. Tổ chức Hội chợ OCOP thường niên 01 lần/năm, tập trung vào các sự kiện văn hóa, du lịch lớn của tỉnh dần tiến tới hoạt động xã hội hóa; lồng ghép các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong các hội chợ thương mại tại các địa phương. Xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch, thúc đẩy hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ tại chỗ thông qua khách du lịch tại các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, qua đó góp phần đa dạng ngành du lịch Qảng Trị.
Sáu là, tổ chức Hội nghị đối tác OCOP, xây dựng "Mạng lưới Đối tác OCOP Quảng Trị" với sự tham gia của các tổ chức OCOP (chia sẻ thông tin, gặp gỡ, đàm phán, ký kết thỏa thuận, hợp đồng,....) nhằm liên kết các chủ thể thực hiện chương trình với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với chuẩn hóa vùng trồng đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, cây dược liệu, gạo chất lượng cao,... qua đó, hỗ trợ một phần kinh phí để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư máy móc, trang thiết bị nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.
Có thể thấy, Chương trình OCOP được triển khai theo nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh để gia tăng giá trị nguyên liệu bản địa ở các vùng nông thôn với chủ thể quan trọng là các tổ chức kinh tế (tập trung vào hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) và nhân tố quan trọng là sản phẩm đặc trưng có giá trị, chất lượng cao. Qua đó không chỉ giúp nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm địa phương và lan tỏa thương hiệu địa phương, mà còn giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh và phát triển bền vững.

Tác giả bài viết: Hoàng Minh Trí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây