Hỗ trợ nguồn vốn đầu tư thiết bị, hiện đại hóa sản xuất sản phẩm OCOP

Thứ năm - 28/09/2023 00:09
Triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể đầu tư máy móc, thiết bị, hiện đại hóa sản xuất sản phẩm OCOP. Qua đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo sản phẩm OCOP theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị.
Công ty Cổ phần sản xuất thương mại tổng hợp Mỹ An sử dụng thùng ủ chợp bằng chất liệu composite để sản xuất nước mắm - Ảnh: T.T
Công ty Cổ phần sản xuất thương mại tổng hợp Mỹ An sử dụng thùng ủ chợp bằng chất liệu composite để sản xuất nước mắm - Ảnh: T.T

Năm 2022, sản phẩm nước mắm biển Mỹ An của Công ty Cổ phần sản xuất thương mại tổng hợp Mỹ An, ở thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là lần đầu tiên công ty đưa sản phẩm dự thi OCOP và được đánh giá với thứ hạng cao. Để có được sản phẩm đạt chất lượng, Giám đốc Công ty Trần Văn Nọ cho biết, ông đã cùng cộng sự dành nhiều tâm huyết nghiên cứu quy trình sản xuất nước mắm chuyên môn hóa và chế biến sâu.

“Theo cách làm truyền thống, quá trình sản xuất nước mắm phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Do đó, chúng tôi nghiên cứu sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời để gia nhiệt cho quá trình lên men, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ giữ ổn định nhiệt cho các thùng ủ chượp từ 45 - 50 độ C, đảm bảo quá trình lên men đúng quy chuẩn để tạo ra nước mắm thơm ngon, chuẩn vị. Sau khoảng thời gian từ 10 - 12 tháng, khi nước mắm chín, đội ngũ kỹ thuật kiểm tra chất lượng, chiết xuất đóng chai qua hệ thống ống dẫn theo quy trình khép kín”, ông Nọ chia sẻ.

Để thực hiện việc ủ chượp, thay vì phương thức truyền thống ủ trong các bể xi măng, ông Nọ đầu tư 10 thùng ủ bằng chất liệu composite, inox, mỗi thùng chứa được khoảng 3,5 tấn nguyên liệu, đảm bảo hợp vệ sinh. Mỗi vụ, công ty thu mua khoảng 100 tấn cá nục làm nguyên liệu. Hiện mỗi tháng, công ty xuất bán từ 7.000 - 10.000 chai nước mắm ra thị trường. Để mở rộng quy mô sản xuất, công ty mong muốn được hỗ trợ đầu tư thêm các bồn chứa composite chứa nước mắm nhằm hoàn thiện dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

“Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng để thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người được nhận hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật và cam kết thực hiện đúng, có hiệu quả các nội dung được hỗ trợ”, ông Nọ cho biết.

Không chỉ riêng Công ty Cổ phần sản xuất thương mại tổng hợp Mỹ An có nhu cầu được hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư máy móc thiết bị nhằm mở rộng quy mô và hiện đại hóa quy trình sản xuất, mà đây là mong muốn của rất nhiều chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh hiện nay. Theo khảo sát của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay nhu cầu hỗ trợ máy móc, thiết bị nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến dây chuyền sản xuất của các chủ thể là rất lớn và sẵn sàng đối ứng để triển khai thực hiện.

Như Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị, huyện Gio Linh có nhu cầu hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư máy chiết xuất dược liệu, thảo dược nhằm nâng cao năng suất, chất lượng 5 sản phẩm đã được công nhận. HTX Tổng hợp Hương Thảo Mộc VT, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh đề xuất được hỗ trợ vốn đầu tư máy nghiền bột nhang. Hộ kinh doanh Trần Văn Khánh ở Hướng Hóa đề xuất hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư máy sấy lạnh hai buồng nhằm tiêu chuẩn hóa sản phẩm trà thảo mộc để đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2023...

Toàn tỉnh hiện đã có 115 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 42 sản phẩm 4 sao và 73 sản phẩm 3 sao. Có 58 chủ thể, trong đó có 16 chủ thể là hợp tác xã (HTX), 4 chủ thể là tổ hợp tác, 16 chủ thể là doanh nghiệp, 22 hộ sản xuất, kinh doanh. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương, nông sản là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, gặp nhiều khó khăn về vốn, thiếu sự mạnh dạn khi đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại. Do đó, nguồn vốn hỗ trợ hằng năm từ nguồn khuyến công của trung ương và tỉnh đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ sắm máy móc thiết bị, hiện đại hóa sản xuất.

Từ năm 2019 đến nay, thông qua nguồn vốn thực hiện chương trình OCOP và các nguồn vốn lồng ghép khác, Chi cục Phát triển nông thôn đã triển khai các dự án hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao. Tuy nhiên, so với thực tế thì nguồn vốn hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, mục tiêu trọng tâm là đến cuối năm 2025 phấn đấu có thêm 100 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó có ít nhất 2 - 3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 1 - 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.

Để thực hiện mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP. Cần có nhiều hơn nữa chương trình, dự án hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP.

Từ đó góp phần tạo điều kiện, khuyến khích các chủ thể phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững các sản phẩm hàng hóa.

Tác giả bài viết: Bảo Bình

Nguồn tin: www.baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây