Tháng 3/1980, ông Khiêm nhập ngũ thuộc Trung đoàn 284, Bộ Tư lệnh Công binh. Đến năm 1984, ông xuất ngũ trở về quê hương và làm việc tại Công ty Thủy sản Cửa Tùng. Sau khi nghỉ công tác theo chế độ, năm 1997 ông bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình với nghề sản xuất nước mắm truyền thống. Lúc đầu, mô hình nhỏ, ông chủ yếu làm nước mắm trong chum, vại sành phục vụ nhu cầu của gia đình và buôn bán nhỏ lẻ trên địa bàn xã. Vì chưa có kinh nghiệm nên trong giai đoạn này ông phải bỏ nhiều mẻ nước mắm do thành phẩm làm ra không đạt. Rút kinh nghiệm từ những lần như vậy, dần dần sản phẩm nước mắm của ông có được hương vị riêng rất đậm đà. Từ đó, mô hình ngày càng phát triển.
Năm 2006, ông Khiêm đầu tư thêm 100 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất và chính thức đặt tên cho sản phẩm là “Nước mắm truyền thống Khiêm Trọng”.
“Thời điểm đó, nhu cầu tiêu thụ nước mắm của người dân ở địa phương bắt đầu tăng cao, trong khi các cơ sở sản xuất trong vùng còn ít, chưa đáp ứng đủ. Công ty chế biến thủy sản duy nhất thì đóng cửa nên tôi quyết định đầu tư, đăng ký sản xuất và kinh doanh theo hình thức hộ gia đình. Đây như là bước ngoặt đầu tiên, đánh dấu sự phát triển của nghề làm nước mắm truyền thống của bản thân tôi”, ông Khiêm bộc bạch.
Với lợi thế gần biển nên nguồn nguyên liệu, nhất là cá cơm cung cấp cho cơ sở rất dồi dào. Không mất nhiều thời gian để vận chuyển nguyên liệu vào bờ phục vụ quá trình sản xuất nên chất lượng cá luôn đảm bảo tươi ngon.
Theo ông Khiêm, nguyên liệu cá cơm của cơ sở được lấy từ ngư trường Cồn Cỏ và muối biển sạch cũng được làm trực tiếp tại Cửa Tùng. Khi chế biến, cá và muối sẽ được trộn theo tỉ lệ 5:1, hỗn hợp này được đưa vào bể chợp ủ từ 12-18 tháng.
Sau khi chợp chín, tiến hành kéo rút và cho ra những giọt nước mắm nguyên chất, sau đó đưa đi lọc, đóng chai để cho ra thành phẩm.
Mọi quy trình đều được ghi chú, theo dõi cẩn thận để đảm bảo đúng thời gian, không quá mặn và vừa độ chín thơm. Với công thức ủ mắm riêng, ông đã tạo ra được sản phẩm nước mắm truyền thống có hương vị riêng, đảm bảo chất lượng, được người dùng ngày càng tin tưởng lựa chọn.
Năm 2016, sản phẩm “Nước mắm truyền thống Khiêm Trọng” được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020.
Hiện nay, cơ sở sản xuất đã được đầu tư các trang thiết bị máy móc hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất để cung cấp ra thị trường mỗi năm từ 15.000 - 20.000 lít nước mắm và 12 tấn phụ phẩm, mang lại nguồn thu trên 2 tỉ đồng, trừ chi phí lợi nhuận từ 300 - 400 triệu đồng/năm.
Sản phẩm “Nước mắm truyền thống Khiêm Trọng” hiện có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Đặc biệt, ngoài việc bán trực tiếp và cung cấp cho các đơn vị đầu mối theo phương thức truyền thống, nắm bắt xu thế thời đại công nghệ số, ông Khiêm còn tìm hiểu xây dựng kênh bán hàng online để quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi hơn.
“Hơn 25 năm gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống, để xây dựng được thương hiệu sản phẩm như hiện nay, tôi nghĩ cần đặt mình vào vị trí của người tiêu dùng để sản xuất, kinh doanh.
Chính vì vậy, mục tiêu thời gian tới mà cơ sở hướng đến là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ các quy định về môi trường trong sản xuất để có sản phẩm đảm bảo an toàn, đồng thời xây dựng kênh phân phối, mở rộng thị trường rộng khắp toàn quốc và xa hơn là tiếp cận thị trường nước ngoài”, ông Khiêm chia sẻ.
Tác giả bài viết: Phương Nga
Nguồn tin: baoquangtri.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn