Nỗ lực nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm OCOP ở Vĩnh Linh

Chủ nhật - 27/02/2022 20:32
Thời gian gần đây, các sản phẩm từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của huyện Vĩnh Linh đã khá quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Chương trình OCOP đã tạo hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thông qua hình thành những sản phẩm đúng quy chuẩn chất lượng, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Huyện Vĩnh Linh tổ chức đánh giá các sản phẩm tham dự OCOP cấp tỉnh năm 2021 - Ảnh: M.H
Huyện Vĩnh Linh tổ chức đánh giá các sản phẩm tham dự OCOP cấp tỉnh năm 2021 - Ảnh: M.H

Để triển khai chương trình OCOP, huyện Vĩnh Linh đã ban hành kế hoạch thực hiện, tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức kinh tế trên địa bàn các xã, thị trấn tham gia. Chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng đảm bảo các tiêu chí như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và có tính bền vững. Đồng thời, thực hiện đào tạo, tập huấn kiến thức cho 100% cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP huyện, xã, thị trấn và 100% đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm.

 

Bà Lê Thị Thúy Kiều, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh cho biết: “Xác định chương trình OCOP là một trong những cách làm tốt nhất để ngành nông nghiệp Vĩnh Linh có bước phát triển mới, ngay sau khi có chủ trương của tỉnh, huyện khẩn trương rà soát và đăng ký các sản phẩm tham gia. Đồng thời quyết liệt triển khai chương trình từ việc tổ chức họp tuyên truyền cho Nhân dân và các chủ thể; phân công cán bộ hỗ trợ cũng như hướng dẫn các xã xây dựng dự án phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị và theo hướng khai thác thế mạnh sản phẩm của địa phương; phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá và đưa các sản phẩm đặc trưng của huyện đến với thị trường”.

 

Là sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm “Miến gạo Loan Hảo” của Cơ sở sản xuất Loan Hảo xã Hiền Thành đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, có chỗ đứng trên thị trường. Từ hạt gạo được canh tác trên đồng ruộng địa phương, năm 2013, chị Nguyễn Thị Hảo, chủ Cơ sở miến gạo Loan Hảo xã Hiền Thành bắt tay vào sản xuất miến. Ban đầu chị đầu tư 70 triệu đồng để mua một số máy móc phục vụ cho việc làm miến. Sản phẩm làm ra chị nhờ các cơ sở tạp hóa bán để giới thiệu sản phẩm. Nhằm tạo sự đa dạng về sản phẩm, ngoài sử dụng gạo trắng, chị Hảo cũng tìm tòi nghiên cứu để đưa thêm nhiều nguyên liệu vào sản xuất miến như gạo lứt, bí đỏ, lá chùm ngây, mè đen, khoai lang tím, tạo thêm nhiều màu sắc và hương vị cho miến. Cùng với miến sợi thuần, cơ sở đã sản xuất thêm nhiều chủng loại khác như miến sợi tăm, miến sợi phở, miến dong đem lại nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.

 

Đặc biệt, sản phẩm miến Loan Hảo sử dụng hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, không chất phụ gia, không chất bảo quản, không phẩm màu. Trong chương trình bình chọn sản phẩm OCOP năm 2019, sản phẩm miến gạo Loan Hảo được công nhận là sản phẩm 3 sao cấp tỉnh đã góp phần đưa thương hiệu miến Loan Hảo ngày một vươn xa trên thị trường. Chị Nguyễn Thị Hảo cho biết: “Trước đây sản phẩm làm ra rất ít, thị trường tiêu thụ chỉ bó hẹp khu vực nội huyện. Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, miến gạo Loan Hảo được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ cũng rộng hơn. Hiện nay, cơ sở giải quyết việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng”.

 

Cùng với sản phẩm miến gạo Loan Hảo, huyện Vĩnh Linh còn nổi tiếng và được nhiều người biết đến với sản phẩm “Muối cá lá” của Cơ sở sản xuất Gia Hân. Để làm ra được một hũ muối cá thơm ngon thì khâu lựa chọn nguyên liệu đảm bảo chất lượng là yếu tố hàng đầu. Theo đó, cá nục tươi được lựa chọn rất kỹ, sau khi hấp chỉ gỡ lấy phần thịt cá. Sau đó kết hợp với các loại gia vị như ớt, sả, hành tím, ngò gai rồi đem hấp sấy với nhiệt độ phù hợp nhằm đảm bảo vị thơm ngon của cá. Chị Trần Thị Trang, chủ Cơ sở sản xuất Gia Hân, thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn cho biết: “Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, năm 2021 gia đình tôi đã mạnh dạn mang sản phẩm muối cá đi dự thi và được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ có tem mác truy xuất nguồn gốc, địa chỉ nên người tiêu dùng đặt hàng rất dễ dàng. Thời gian tới, cơ sở sẽ tiếp tục duy trì và giữ vững thương hiệu với mong muốn sản phẩm sẽ chinh phục được người tiêu dùng và thị trường khó tính hơn”.

 

Ngoài 2 sản phẩm nói trên, hiện Vĩnh Linh còn có 8 sản phẩm khác được công nhận OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt mức 4 sao là hạt tiêu hữu cơ của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh Hồ tiêu Vĩnh Linh, tinh bột nghệ của Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung; 6 sản phẩm xếp hạng 3 sao gồm: Nước mắm nhĩ cá cơm của Cơ sở sản xuất Khiêm Trọng; dầu lạc Làng An của hộ kinh doanh Lê Thanh Biên; dầu lạc Thịnh Thành của Công ty TNHH MTV Hùng Thịnh Thành; cốm gạo lứt rong biển của Cơ sở sản xuất Gia Hân; bánh quy tinh bột ngô và bánh quy tinh bột nghệ của Công ty TNHH QT Hùng Dung. Ngoài ra, huyện Vĩnh Linh còn có rất nhiều sản phẩm tiêu biểu khác như ném củ, thanh long ruột đỏ, đậu xanh, khoai môn, gạo hữu cơ, tinh bột sắn dây... rất được thị trường ưa chuộng. Những sản phẩm này đang được địa phương chuẩn bị hồ sơ, đăng ký tham gia đánh giá xếp hạng trong thời gian tới.

 

Có thể khẳng định, việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm OCOP là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, đơn vị sản xuất, kinh doanh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung. Thời gian tới, huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP; hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tiếp tục có những sản phẩm chất lượng cao, mang tính đặc trưng của địa phương, tổ chức đánh giá nâng hạng sản phẩm, chinh phục những thị trường khó tính hơn.

 

Bà Lê Thị Thúy Kiều cho biết thêm: “Để giúp các chủ thể có điều kiện phát triển sản phẩm OCOP, huyện sẽ đề ra nhiều cơ chế hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí để mua sắm các dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Với 10 sản phẩm được xếp hạng trong hơn 3 năm triển khai chương trình OCOP là con số ấn tượng. Thành công ban đầu này sẽ là động lực quan trọng để các chủ thể trên địa bàn huyện tiếp tục hoàn thiện sản phẩm hướng tới các thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời mở rộng số lượng sản phẩm, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân. Điều đáng ghi nhận là từ hiệu ứng của chương trình, 100% xã trên địa bàn cũng đã tiến hành việc xây dựng lộ trình phát triển cho sản phẩm tiêu biểu của địa phương”.

 

Theo quy định, sau 3 năm công nhận, ngành chức năng sẽ đánh giá lại các tiêu chí, nếu sản phẩm nào không đảm bảo thì sẽ bị rớt xuống hạng sao thấp hơn hoặc thu hồi giấy chứng nhận đạt sao. Do đó, huyện khuyến khích các chủ thể quan tâm cải tiến quy trình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm OCOP. Đặc biệt nguyên liệu đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ đúng theo tiêu chí của chương trình.

 

Những kết quả ban đầu của chương trình OCOP và hiệu ứng lan tỏa của chương trình hiện nay là nền tảng vững chắc để Vĩnh Linh thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng bền vững, lâu dài. Với hướng đi trên, huyện đang đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có trên 20 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao được công nhận, chứng nhận, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.

Tác giả bài viết: Mỹ Hằng

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây