Sau nhiều năm sản xuất tinh dầu tràm có uy tín ở thôn Tân Minh, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, năm 2022, được sự khuyến khích của UBND xã, ông Nguyễn Quang Thiên quyết định đăng ký sản phẩm tinh dầu tràm tham gia chương trình OCOP. Để đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường nội địa, thời gian qua ông Thiên đã chủ động trồng tràm làm nguyên liệu phục vụ sản xuất. Tuy vậy, ông Thiên thừa nhận cơ sở của ông chưa có sự đầu tư nhiều vào máy móc, thiết bị hiện đại, vẫn đang đun nấu theo phương pháp thủ công.
Ngoài ra, qua kiểm tra, đánh giá của cơ quan chuyên môn, sản phẩm tinh dầu tràm từ cơ sở sản xuất của ông Thiên còn thiếu nhiều điều kiện để tham gia OCOP. Ví dụ như sản phẩm thuộc ngành hàng mỹ phẩm nên cần có hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm, tiêu chuẩn nguyên liệu, tiêu chuẩn bao bì, phiếu kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn tại cơ quan kiểm nghiệm độc lập...
Ông Thiên cho biết: “Khi nghe cán bộ tư vấn về các tiêu chuẩn để tham gia chương trình, tôi cũng nhận thức được nhiều vấn đề để hoàn thiện sản phẩm trong thời gian tới. Điều mà người sản xuất tinh dầu tràm thấy lúng túng nhất hiện nay là tìm ra nguồn cây giống chất lượng để trồng làm nguyên liệu. Ngoài ra chúng tôi cũng mong muốn có sự hỗ trợ để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Tại xã Gio Mai hiện có khoảng 15 hộ sản xuất tinh dầu tràm, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn Tân Minh với 12 hộ. Dù khá nhiều hộ sản xuất mặt hàng này, tuy nhiên chưa có sự liên kết để thành lập tổ hợp tác hay HTX, người dân chưa mặn mà với ý tưởng liên kết để sản xuất mà vẫn theo hướng “mạnh ai nấy làm”. Ngoài ra, người sản xuất phụ thuộc vào cây tràm trồng tự nhiên, chưa có nhiều người chủ động trồng tràm làm nguyên liệu.
Phó Chủ tịch UBND xã Gio Mai Trương Hữu Thắng cho biết, thời gian tới, xã sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động để các hộ sản xuất tinh dầu tràm liên kết thành lập tổ hợp tác hoặc HTX sản xuất để giúp người dân tiếp cận hiệu quả hơn với ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, thuận lợi trong vay vốn đầu tư máy móc, thiết bị cũng như tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm mục tiêu tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 87 sản phẩm của 49 chủ thể đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm 4 sao, 71 sản phẩm 3 sao. Có 14 chủ thể là HTX, và tổ hợp tác, còn lại là doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, trung ương chưa ban hành chính sách cho chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên để chương trình không bị gián đoạn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình OCOP năm 2022. Theo đó, ngành đã hướng dẫn các địa phương rà soát, đăng ký danh mục ý tưởng, triển khai hoàn thiện phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm. Kết quả có 75 ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình.
Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện, chính quyền cấp xã tổ chức khảo sát thực trạng sản phẩm để tư vấn lựa chọn ý tưởng sản phẩm, định hướng cho chủ thể phát triển sản phẩm, xây dựng hồ sơ sản phẩm. Tiến hành rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống, làng nghề và sản phẩm du lịch nông thôn. Khuyến khích xây dựng, phát triển các ý tưởng sản phẩm mới. Hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện, phát triển sản phẩm về mẫu mã, bao bì, chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, công bố, quản lý chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất sản phẩm OCOP, phát triển liên kết chuỗi, vùng nguyên liệu…
Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và Cơ điện - Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Qua khảo sát thực trạng, có thể phân ra hai nhóm chính tham gia chương trình OCOP năm 2022. Thứ nhất là đối với các sản phẩm nâng hạng, sản phẩm đánh giá lại, sản phẩm mới của các chủ thể đã tham gia giai đoạn 2019 - 2021, do đã có kinh nghiệm nên công tác chuẩn bị sản phẩm và hồ sơ sản phẩm tương đối tốt, chỉ cần bổ sung, thực hiện thêm một số nội dung là có thể hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá. Còn với những chủ thể tham gia lần đầu, sản phẩm và hồ sơ sản phẩm cần khắc phục nhiều điểm như hoàn thiện nhãn mác, kiểm nghiệm công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, xây dựng hồ sơ liên kết… có một số sản phẩm mới ở dạng thô, chủ thể chưa đăng ký kinh doanh”.
Một trong những mục tiêu của chương trình OCOP năm 2022 là củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với HTX, doanh nghiệp, có 4 - 6 HTX nông nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Theo đó, công tác tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP được triển khai tích cực. Tỉnh phấn đấu huy động các nguồn lực để từng bước nâng cao năng lực, phát triển, hình thành mạng lưới các chủ thể sản phẩm OCOP. Phát huy vai trò của các HTX, doanh nghiệp làm động lực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Tác giả bài viết: Thanh Trúc
Nguồn tin: baoquangtri.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn