Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững

Thứ ba - 22/02/2022 22:44
Hiện nay nông nghiệp đang là ngành sản xuất chính của tỉnh Quảng Trị. Mặc dù đã đảm bảo an ninh lương thực và hướng đến sản xuất hàng hóa nhưng nhìn chung thu nhập và đời sống của nông dân vẫn còn thấp. Nguyên nhân chính là do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, thiếu ổn định, dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường… Do đó, yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp là phải cơ cấu lại nhằm chuyển hướng tăng trưởng nông nghiệp từ chiều rộng (tăng vụ, tăng diện tích) đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm vụ đông xuân 2021 - 2022 tại HTX Kim Long, Hải Quế, Hải Lăng - Ảnh: H.N.K
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm vụ đông xuân 2021 - 2022 tại HTX Kim Long, Hải Quế, Hải Lăng - Ảnh: H.N.K

Chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng hiện đại Để xây dựng nền sản xuất nông nghiệp toàn diện, hiện đại và bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao hơn, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đối với trồng trọt phải ứng dụng quy trình cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến; quy trình thâm canh lúa cải tiến, ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các vùng sản xuất tập trung, gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến; phát triển vùng sản xuất rau tập trung, chuyên canh; sản xuất chế biến an toàn theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Hiện nay, diện tích gieo trồng lúa 2 vụ của tỉnh từ 47.000 - 48.000 ha/năm, sản lượng lương thực khoảng 25 - 26 vạn tấn/năm, trong đó diện tích lúa chất lượng cao đạt 20.000 ha.

 

Tiếp tục phát triển mạnh các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, hồ tiêu. Xây dựng và mở rộng các vùng chuyên canh cây cao su, hồ tiêu theo quy hoạch. Đến năm 2021 diện tích cây cao su đạt 26.500 ha, hồ tiêu đạt 3.000 ha, cà phê 5.500 ha. Thực hiện phục hồi và trồng mới cây hồ tiêu, ổn định diện tích và tái canh cây cà phê. Đầu tư thâm canh, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, phục tráng giống, sử dụng giống mới nhằm nâng cao năng suất cây công nghiệp dài ngày. Chú trọng khâu thu hoạch và chế biến sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích. Đối với chăn nuôi, nghiên cứu phát triển và ứng dụng quy trình chăn nuôi lợn, gà theo tiêu chuẩn VietGAP. Phát triển chăn nuôi bò thịt theo quy mô trang trại tập trung, hiện đại từ khâu giống, sản xuất, chế biến thức ăn, chăm sóc, giết mổ và liên kết với các doanh nghiệp thu mua chế biến.

 

Hiện nay, mô hình trồng lúa “Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu”(CSA) của Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) tại Quảng Trị đã đem lại kết quả tốt. Năm 2021, diện tích lúa CSA đạt 5.600 ha, năng suất bình quân lúa CSA cao hơn ruộng đại trà từ 5 - 6 tạ/ha/vụ; lợi nhuận bình quân lúa CSA cao hơn ruộng đại trà từ 5 - 7 triệu đồng/ha/ vụ. Mô hình này tạo bước đột phá trong quá trình thâm canh cây lúa, thay đổi phương thức canh tác cũ bằng phương thức canh tác mới, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng nhanh diện tích lúa thích ứng biến đổi khí hậu tại các địa phương.

 

Đối với lâm nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trồng rừng, đặc biệt là khâu khai thác. Hướng dẫn, khuyến khích người dân mở rộng diện tích rừng sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững FSC. Đến cuối năm 2021, diện tích rừng FSC ở Quảng Trị đạt 23.000 ha, chiếm 12% tổng diện tích rừng FSC của cả nước. Trên lĩnh vực thủy sản đã mở rộng diện tích ứng dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ nuôi thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP; nghiên cứu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi thâm canh một số loại thủy sản phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh. Đầu tư, nâng cấp đội tàu thuyền để nâng cao năng lực khai thác hải sản.

 

Đẩy mạnh công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản; khuyến khích nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn VietGAP, ISO, HACCP… Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng và triển khai Đề án “Khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai và đẩy mạnh cơ giới hóa để tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030” để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đầu tư sản xuất hữu cơ.

 

Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản

 

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp và người dân chủ động liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đổi mới và phát triển hệ thống quản lý và hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; tăng cường sự liên kết, tham gia của các tổ chức, hiệp hội. Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐTTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là đối với một số sản phẩm có giá trị hàng hóa cao là lợi thế của tỉnh.

 

Nhờ đó, tỉnh đã kết nối, mời gọi nhiều doanh nghiệp đến liên kết, sản xuất hữu cơ trên địa bàn. Điển hình từ năm 2017 đến nay đã liên kết với Công ty TNHH TM Đại Nam Nhà máy phân bón Ong biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để sản xuất lúa hữu cơ với diện tích gần 200 ha ở các huyện Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng... Theo công bố của Trường Đại học Hiroshima - Nhật Bản năm 2019, gạo hữu cơ Quảng Trị đã đạt tất cả 545 chỉ tiêu về chất lượng và đặc biệt hơn cả, trong gạo hữu cơ Quảng Trị có chứa 2 hợp chất Momilactone A và Momilactone B có tác dụng chống tiểu đường, gút, béo phì. Điều này chứng tỏ “Gạo hữu cơ Quảng Trị” là thương hiệu mạnh, đã góp mặt tại các chuỗi siêu thị lớn trên toàn quốc và được thị trường Nhật Bản, Trung Quốc… quan tâm.

 

Ngoài ra, tỉnh cũng đã giao Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị xây dựng Đề án Phát triển vùng nguyên liệu lúa VietGAP, lúa hữu cơ theo hình thức liên kết “5 nhà” gắn với chế biến, tiêu thụ. Vụ đông xuân 2021-2022, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đã chọn HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng để triển khai sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 17,5 ha, giống lúa ST25. Theo đó, năm 2021 - 2022 hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đầu tư trung tâm sấy lúa với quy mô 200 tấn/ngày và kho chứa lúa khoảng 10.000 tấn/vụ, thành lập sàn giao dịch lúa gạo Quảng Trị. Hợp tác với người dân trồng lúa hữu cơ, VietGAP phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh Quảng Trị có trên 1.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trên 3.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến năm 2030 đưa diện tích lúa hữu cơ lên trên 3.000 ha, diện tích lúa VietGAP trên 7.000 ha, chiếm 35% diện tích lúa toàn tỉnh.

 

Tiếp tục củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, chú trọng phát triển các loại hình kinh tế hợp tác hoạt động sản xuất gắn với cung ứng dịch vụ nông nghiệp tổng hợp theo chuỗi giá trị sản phẩm từ cung cấp dịch vụ đầu vào đến chế biến và phát triển thị trường, hỗ trợ tín dụng nội bộ cho các thành viên. Đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn. Tạo sự liên kết giữa các trang trại với trang trại, giữa trang trại với HTX hoặc doanh nghiệp từ cung ứng vật tư đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm…

 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp là theo cơ chế thị trường nhưng phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng. Nhà nước luôn giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. Phải huy động sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Xây dựng mối liên kết giữa 4 nhà: “Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông”. Mặt khác, cần xác định cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một hợp phần của cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, định hướng phát triển chung của ngành trên cả nước. Từ đó mới thực hiện tối ưu hóa nền sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đưa nông nghiệp Quảng Trị phát triển toàn diện và bền vững.

Tác giả bài viết: Hồ Nguyên Kha

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây