Tổ hợp tác (THT) sản xuất bánh tét mặt trăng thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng hiện có 20 thành viên. Thời gian qua, sản phẩm bánh tét mặt trăng đã trở nên nổi tiếng bởi sự độc đáo, chất lượng thơm ngon. Không chỉ tiêu thụ tại địa phương trong mỗi dịp lễ, tết, đến nay bánh tét mặt trăng đã có mặt tại nhiều địa phương trong tỉnh và trong nước, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên của THT.
Cuối năm 2021, sản phẩm bánh tét mặt trăng Đại An Khê được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khẳng định được chất lượng của bánh tét mặt trăng, đồng thời giúp người tiêu dùng thêm yên tâm hơn khi sử dụng. Sau khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm bánh tét mặt trăng ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, việc tiêu thụ thuận lợi hơn.
Tổ trưởng THT sản xuất bánh tét mặt trăng thôn Đại An Khê Hoàng Thị Kim Cúc cho biết: “Việc được chứng nhận là sản phẩm OCOP đã đem lại nhiều thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm bánh tét mặt trăng của THT. Đặc biệt, dịp cuối năm 2021, THT đã tiêu thụ số lượng sản phẩm bánh kỷ lục, số lượng tăng gấp khoảng 1,5 lần so với những năm trước đó. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, giữ vững thương hiệu bánh tét mặt trăng, trong quá trình sản xuất, các thành viên của THT luôn tuân thủ theo các tiêu chuẩn về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khâu chọn nguyên liệu từ nếp, đậu xanh, thịt, rau ngót đến lá chuối gói bánh đều được thực hiện kỹ càng để bánh có chất lượng thơm, ngon, đồng thời đảm bảo thẩm mỹ cho sản phẩm”.
Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, huyện Hải Lăng đã thành lập Ban điều hành và Tổ giúp việc chương trình OCOP huyện, đồng thời tổ chức quán triệt, triển khai các chủ trương, kế hoạch và văn bản chỉ đạo của cấp trên liên quan đến chương trình OCOP thông qua các cuộc họp, hội nghị…
Công tác thông tin, tuyên truyền được các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở thực hiện thường xuyên, đa dạng, trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các lớp học nghị quyết các cấp, hội nghị phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cuộc họp liên quan đến công tác xây dựng nông thôn mới...
Mặt trận và đoàn thể các cấp đã chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia chương trình. Hội LHPN huyện, xã đã chủ trì tổ chức hội chợ, điểm trưng bày sản phẩm giới thiệu sản phẩm OCOP.
Để triển khai thực hiện chương trình OCOP, UBND huyện Hải Lăng còn chỉ đạo Ban điều hành, Tổ giúp việc huyện tổ chức khảo sát, đánh giá 51 sản phẩm đặc trưng hiện có của địa phương để ban hành kế hoạch thực hiện trong từng giai đoạn. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích các sản phẩm đặc trưng, chủ lực tham gia chương trình để được tư vấn, phát triển thành sản phẩm OCOP.
Hằng năm, huyện ban hành văn bản gửi các xã, chủ thể để đề nghị xây dựng ý tưởng, từng bước hoàn thiện sản phẩm để đăng ký dự thi. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP kết hợp với kinh phí sự nghiệp của huyện để hỗ trợ phát triển, hoàn thiện các sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Trong đó, hỗ trợ xây dựng sản phẩm, in tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, máy móc thiết bị, bao bì và nhãn mác.
Các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, kinh doanh cho các tổ chức kinh tế, các hộ sản xuất trên địa bàn cũng được huyện Hải Lăng quan tâm. Qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia các lớp tập huấn về kiến thức kinh doanh, chương trình OCOP do các sở, ngành tổ chức. Địa phương chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, đơn vị tư vấn tập huấn giúp cho các cơ sở, các hộ sản xuất về các thủ tục pháp lý để hoàn thiện sản phẩm.
Đồng thời, hỗ trợ các sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm trong tỉnh, huyện. Hằng năm, huyện đã bố trí một phần kinh phí từ nguồn vốn khuyến công địa phương để hỗ trợ phát triển sản phẩm. Các hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện chủ yếu thông qua các hội chợ.
Với những cách triển khai phù hợp, chương trình OCOP trên địa bàn huyện Hải Lăng đã thực sự đã đi vào thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ vậy, giai đoạn 2018 - 2021, toàn huyện có 12 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, trong đó riêng năm 2021 có 5 sản phẩm gồm: Bánh tét mặt trăng Đại An Khê, xã Hải Thượng; bánh lọc Huệ của Cơ sở sản xuất Bánh lọc Huệ, xã Hải Chánh; ném Hải Dương của THT Thuần Việt, xã Hải Dương; nước mắm Mỹ Thủy của THT sản xuất nước mắm Mỹ Thủy, xã Hải An và Ruốc bột Bà Vầy của Cơ sở sản xuất ruốc Trương Thị Vầy, xã Hải Khê.
Đây là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và mang những nét đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, địa phương trong huyện; có khả năng mở rộng và liên kết sản xuất đến nhiều thành phần; tạo việc làm cho nhiều người dân tại địa phương.
“Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình OCOP, trong thời gian tới, huyện Hải Lăng sẽ tập trung công tác đào tạo, tập huấn. Tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về phát triển sản phẩm tại các địa phương nhằm hỗ trợ các chủ thể sản xuất có điều kiện tham gia. Đồng thời ban hành cơ chế, chính sách cụ thể cho chương trình OCOP để hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy sâu rộng và đồng bộ; hỗ trợ phát triển theo hướng gia tăng giá trị nhằm khai thác sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của địa phương, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân.
Thực hiện đổi mới hình thức, phương pháp xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm chủ lực thông qua các cuộc hội chợ, triển lãm. Hình thành các điểm bán hàng, trung tâm OCOP để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP (đạt 3 sao trở lên) ở cấp tỉnh và cấp huyện. Đẩy mạnh việc đưa sản phẩm OCOP lên nhiều kênh bán hàng nhằm tăng cường kết nối cung cầu”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải thông tin thêm.
Tác giả bài viết: Thanh Lê
Nguồn tin: baoquangtri.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn