Trong những tháng đầu năm 2021, tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng lậu, hàng cấm từ nước ngoài vào Việt Nam qua khu vực biên giới Việt - Lào diễn ra phức tạp. Với thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động, các đối tượng sử dụng xe hạ tải, xe khách vận chuyển hàng lậu về nội địa tiêu thụ hoặc trà trộn, cất giấu với hàng hóa nông sản, hàng hợp pháp khác, sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ khi bị truy đuổi, bắt giữ. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là đường cát, nước giải khát, mỹ phẩm, thuốc lá lậu...
Trên tuyến Quốc lộ 1, hàng nhập lậu từ Trung Quốc được vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào và phía Nam ra được cất giấu lẫn lộn với hàng hóa có hóa đơn chứng từ hợp pháp và được hợp thức hóa bằng hóa đơn chứng từ có trị giá thấp hơn giá trị thực tế. Hàng nhập lậu chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo, đồ chơi trẻ em, giày dép, đồ điện tử đã qua sử dụng và một số mặt hàng tiêu dùng khác...
Trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trưởng (QLTT), UBND tỉnh, BCĐ 389/TW và địa phương, Cục QLTT đã ban hành công văn chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó tập trung kiểm tra tại các địa bàn, khu vực biên giới, tuyến giao thông trọng điểm, các tụ điểm, nơi tập kết hàng lậu ở thị trường nội địa trên khâu lưu thông.
Năm 2021, lực lượng QLTT đã kiểm tra 633 vụ việc, xử lý 322 vụ với tổng trị giá hàng hóa tạm giữ, tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính hơn 5,3 tỉ đồng. Trong đó, đã kiểm tra, xử lý 142 vụ vi phạm hàng cấm, nhập lậu, xử phạt hơn 601 triệu đồng, tịch thu hàng hoá trị giá hơn 3,9 tỉ đồng.
Nhiều vụ việc được các đội QLTT phát hiện với giá trị hàng hóa vi phạm lớn. Điển hình như Đội QLTT số 1 đã phát hiện 1 vụ vận chuyển 6.000 kg đường kính trắng nhập lậu, đề xuất xử phạt 40 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm trị giá 57 triệu đồng. Đội QLTT số 2 phát hiện 1 vụ tập kết hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ gồm 9.086 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng các loại có trị giá hơn 653 triệu đồng, đã đề xuất UBND tỉnh tịch thu toàn bộ tang vật trên theo đúng quy định của pháp luật...
Vào những tháng cao điểm cuối năm 2021, các đội QLTT đã chú trọng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP). Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các loại thực phẩm vi phạm chủ yếu là bánh kẹo, thực phẩm bao gói, thực phẩm tẩm ướp gia vị sẵn, các loại nước giải khát, sữa dinh dưỡng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá hạn sử dụng, gian lận thời hạn sử dụng, không niêm yết giá mặt hàng thực phẩm… Kết quả đã kiểm tra 320 vụ, xử lý 73 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa với tổng số tiền hơn 67 triệu đồng, buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa hết hạn sử dụng như sữa, bánh kẹo, mỳ ăn liền...
Ngoài ra đã xử lý 99 vụ vi phạm/ 172 vụ kiểm tra các nội dung về niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa trị giá hơn 386 triệu đồng.
Cùng với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT cũng đã phối hợp với các địa phương, ban, ngành làm tốt công tác tuyên truyền về chế độ, chính sách và quy định của pháp luật về lĩnh vực giá. Các lực lượng chức năng tăng cường vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Cục trưởng Cục QLTT Nguyễn Viết Thế cho biết: “Để nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới, Cục QLTT chú trọng quản lý địa bàn theo chiều sâu, rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về quản lý địa bàn để đưa vào quản lý có hệ thống. Cập nhật các cơ sở dữ liệu địa bàn trên hệ thống xử lý vi phạm hành chính, ưu tiên các ngành hàng có điều kiện, thuộc thẩm quyền của QLTT, thường xuyên nắm tình hình thị trường, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân; nâng cao khả năng dự báo thị trường phục vụ tốt cho công tác kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả”.
Giai đoạn trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, dự báo tình hình buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh sẽ còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, đồng thời gia tăng nguy cơ tiềm ẩn về kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Do đó, lực lượng QLTT chủ động và nâng cao chất lượng công tác dự báo, nắm chắc tình hình thị trường. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, đặc biệt chú trọng kiểm tra pháp luật về giá, hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, ATTP, phòng, chống dịch bệnh, chất lượng hàng hóa nhằm đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần giúp Nhân dân đón Tết an toàn.
Tác giả bài viết: Bảo Bình
Nguồn tin: baoquangtri.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn