Những ngày đầu tháng 7/2023, tại khu vực diễn ra Hội chợ thương mại năm 2023 của huyện Hướng Hóa, các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê của Hướng Hóa được bố trí ngay mặt tiền của khu vực hội chợ, dễ dàng thu hút sự quan tâm của người dân đến tham quan, mua sắm. Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái Bốn Phương là một trong các đơn vị tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cà phê tại hội chợ từ rất sớm.
Anh Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, mặc dù lịch tổ chức hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm cà phê Arabica năm 2023 vào cuối tuần nhưng từ đầu tuần HTX đã đưa sản phẩm ra trưng bày tại hội chợ nhằm có thêm thời gian giới thiệu sản phẩm cà phê đến du khách gần xa. Dù mới thành lập HTX Nông nghiệp sinh thái Bốn Phương nhưng anh Phương đã có kinh nghiệm sản xuất cà phê hàng chục năm nay. Anh Phương cho biết, HTX có 7 thành viên liên kết sản xuất từ 32 - 35 ha cà phê tại xã Hướng Phùng.
“Chúng tôi nỗ lực mang đến cho khách hàng sản phẩm cà phê sạch, là đặc sản của Hướng Hóa. Hiện tại, sản phẩm cà phê sinh thái Bốn Phương đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến rộng rãi và tin dùng. Chúng tôi mong muốn thông qua hội nghị kết nối lần này sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh tìm hiểu, ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê của các nông hộ, tổ nhóm sản xuất”, anh Phương chia sẻ.
Tại gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cà phê của hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Ta Lư, khách hàng dễ dàng tìm mua sản phẩm cà phê đã được chứng nhận OCOP 4 sao. Đây là sản phẩm được sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn cà phê 100% tự nhiên không sử dụng thuốc kích thích hay chất tăng trưởng. Nhờ chương trình OCOP mà sản phẩm đã có nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chị Nông Thị Hạnh, chủ hộ kinh doanh cho biết: “Chúng tôi liên kết với hơn 40 hộ dân với diện tích khoảng 100 ha để sản xuất cà phê sạch bán cho các nhà rang xay, các đơn vị thu mua cà phê xô để xuất khẩu. Đơn vị đã ký kết với các DN ở Hà Nội, Đắk Lắk để tiêu thụ sản phẩm”.
Tham gia hội chợ thương mại năm 2023 tổ chức tại Hướng Hóa có gần 20 gian hàng của 8 DN sản xuất, chế biến cà phê, cung cấp thiết bị chế biến, pha chế cà phê trong và ngoài tỉnh. Tại đây, khách hàng được tiếp cận thông tin, hình ảnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê, thiết bị pha chế cà phê, thưởng thức ly cà phê thơm ngon.
Anh Nguyễn Hồng Hải, đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Tham gia hội chợ lần này, tôi có dịp thưởng thức cà phê Khe Sanh. Theo cảm nhận của tôi là cà phê có hương vị rất khác lạ, vị chua nhẹ, hậu ngọt, thơm cũng dịu nhẹ. Tôi nghĩ từ những hội chợ quảng bá như thế này để du khách trong và ngoài tỉnh biết đến cà phê Khe Sanh nhiều hơn, từ đó đưa sản phẩm vươn xa”.
Huyện Hướng Hóa là vùng trồng cà phê đặc trưng và duy nhất của Quảng Trị, sản phẩm cà phê trên địa bàn huyện những năm gần đây đang được đầu tư, cải thiện về quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cà phê Khe Sanh nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường khu vực và thế giới. Hiện nay, các DN như: Công ty TNHH Pun Coffee, HTX Nông nghiệp sinh thái hữu cơ Chân Mây, HTX Nông sản Khe Sanh... liên kết với các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ nông dân sản xuất cà phê với quy mô hơn 100 ha, tập trung tại các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Tân, thị trấn Khe Sanh.
Các đơn vị hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái và ký hợp đồng thu mua sản phẩm trên diện tích liên kết để đảm bảo chất lượng cà phê. Đặc biệt, Công ty Slow Forest Coffee (Đan Mạch) thực hiện liên kết với các hộ gia đình và các HTX, tổ hợp tác, DN trên địa bàn để thực hiện chuỗi liên kết cà phê chất lượng cao nông lâm kết hợp. Kế hoạch giai đoạn 2022-2025 sẽ xây dựng vùng nguyên liệu cà phê nông lâm kết hợp với diện tích thực hiện liên kết khoảng 1.000 ha.
Cà phê Khe Sanh đã được biết đến ở nhiều thị trường trong và ngoài nước, các sản phẩm cà phê chất lượng cao, tiêu biểu như: bộ Giftset Hương Trường Sơn, Nắng - cà phê bột pha phin, trà vỏ cà phê Arabica Khe Sanh của Công ty TNHH Pun Coffee xã Hướng Phùng; Cafe Special pha máy rang xay, dạng bột pha phin rang xay của HTX Nông nghiệp sinh thái hữu cơ Chân Mây; Khe Sanh coffee rang xay của HTX Nông sản Khe Sanh...
Tuy vậy, để cà phê Khe Sanh khẳng định vị thế trên bản đồ cà phê thế giới, cần có sự cộng đồng trách nhiệm của cả nông dân lẫn DN, đồng thời xây dựng mối liên kết “4 nhà” một cách chặt chẽ, thực chất. Trong đó, điều cần làm ngay là DN cần tăng cường liên kết với nông dân để hình thành vùng nguyên liệu sạch, bền vững để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê chất lượng cao, đặc sản cho các tác nhân trong chuỗi giá trị cà phê đặc sản.
Tăng cường kết nối giữa người sản xuất và những nhà rang xay, chế biến, tiêu thụ cà phê đặc sản. Khuyến khích các DN xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê đặc sản phục vụ thị trường trong nước và thế giới. Nhà nước cần có nhiều chính sách hữu hiệu hơn nữa để khuyến khích, hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê đặc sản thông qua chương trình xúc tiến thương mại.
Tác giả bài viết: Thanh Trúc
Nguồn tin: baoquangtri.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn