Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Thứ tư - 29/11/2023 20:32
Hoạt động du lịch trong nhiều năm qua đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và mang lại lợi ích to lớn cho tỉnh Quảng Trị. Song mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm thì xu hướng phát triển du lịch khác nhau, kéo theo đó là phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; du lịch cảnh quan,... và một xu hướng hiện nay đã và đang hình thành phát triển là du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình OCOP.
Thực hiện Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025, Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng chính phủ về Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày về Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 02/12/2022 về Thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Mục tiêu đến cuối năm 2025, Quảng Trị phấn đấu có thêm 100 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên so với năm 2021, trong đó có ít nhất 2 - 3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 1 – 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch; Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu trên địa bàn tỉnh có 01 – 03 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị, tổ chức liên quan, các địa phương, các tổ chức phi chính phủ triển khai khảo sát thực trạng, kết nối doanh nghiệp và nâng cao năng lực cho cộng đồng, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị một số điểm có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn như Giếng cổ Gio An (Gio An, Gio Linh), Khe Luồi (xã Mò Ó, Đakrông), suối Tà Lao (Tà Long, Đakrông), suối Kalu (Đakrông, Đakrông), Valey Farm (Khe Sanh, Hướng Hóa), Vườn hoa Tà Cơn (Tân Hợp, Hướng Hóa), làng du lịch sinh thái Chênh Vênh (Hướng Phùng, Hướng Hóa), thác Tà Puồng (Hướng Việt, Hướng Hóa)… xây dựng và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng nhằm đem lại sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị có 115 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 42 sản phẩm 4 sao (01 sản phẩm đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng TW đề nghị OCOP 5 sao) và 73 sản phẩm 3 sao. Có 58 chủ thể, trong đó có 16 chủ thể là hợp tác xã, 04 chủ thể là tổ hợp tác, 16 chủ thể là doanh nghiệp, 22 hộ sản xuất kinh doanh. Nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu như cả phê, cao dược liệu, hồ tiêu, gạo chất lượng cao,… Với mục tiêu hỗ trợ kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các chủ thể OCOP, như tổ chức tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, tham gia các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, giới thiệu danh mục sản phẩm OCOP đến các địa phương, các nhà phân phối, tổ chức, cá nhân có liên quan trong nước. hỗ trợ xây dựng 06 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại trung tâm thành phố và các huyện, điểm bưu điện cấp huyện trong tỉnh, đã có trên 95% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.
Tỉnh đang chú trọng nhiều lợi thế về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn kết với sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng. Mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang được tỉnh đặc biệt quan tâm, xem đây là cơ hội để nâng tầm du lịch của tỉnh và nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, tại Quảng Trị có nhiều tiềm năng phát tiển du lịch nông nghiệp, nông thôn nhưng chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch bài bản; các mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn còn chưa nhiều, còn mang tính tự phát nên các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn chất lượng chưa cao; một số điểm còn vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất dịch vụ, du lịch; các nghề thủ công truyền thống hiện nay còn rất ít gia đình duy trì; chưa thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm thực tế và mua sắm của khách du lịch; sự kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành chưa nhiều... Đặc biệt chưa có mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP.
Có thể thấy, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với các sản phẩm nông nghiệp là hướng đi cần thiết và quan trọng trong thời gian tới, vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, vừa khai thác tốt các giá trị văn hóa truyền thống, vừa bảo tồn, phát triển và mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách,  Xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP còn góp phần nâng cao năng lực cộng đồng tạo thêm các giá trị kinh tế cho sản phẩm địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Để làm được điều đó, tỉnh tập trung ưu tiên thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, Tổ chức rà soát, khảo sát hoạt động du lịch nông nghiệp tại địa phương để đánh giá toàn diện thực trạng phát triển; Rà soát, bổ sung quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của địa phương.
Thứ hai, Cần nâng cao nhận thức cộng đồng để họ hiểu được về du lịch nông nghiệp, nông thôn và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Từ đó, mỗi thành viên là một sứ giả cho sự phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương. Đây được xem là giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP nói riêng. 
Thứ ba, Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, nét văn hóa đặc trưng của tỉnh gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Thứ tư, Phát huy thế mạnh của các làng nghề truyền thống, các tiềm năng lợi của vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh; khơi dậy tư duy, sáng tạo của các nghệ nhân, lao động làng nghề, chủ thể OCOP để hỗ trợ phát triển các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc sản làm quà tặng gắn với nét văn hóa, truyền thống của tỉnh. Xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch. Sản phẩm nông nghiệp phải được hướng dẫn sản xuất và công nhận tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ; công nghệ chế biến; mẫu mã, bao bì đẹp được kiểm định và đảm bảo. Nghiên cứu nhu cầu thị trường, đẩy mạnh tiêu dùng du lịch thông qua các sản phẩm dược liệu, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe; hàng tiêu dùng đặc sản địa phương làm quà tặng, đồ lưu niệm
Thứ năm, Gắn kết doanh nghiệp làm du lịch và các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP của địa phương đến với du khách. Góp phần xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình OCOP đa dạng, độc đáo; đồng thời có sự chia sẻ lợi ích phù hợp đối với các bên tham gia.
Thứ sáu, Tổ chức xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và dịch vụ du lịch cộng đồng đảm bảo bộ tiêu chí để tạo một điểm đến chất lượng, có sức hấp dẫn mạnh mẽ và phát huy thế mạnh của du lịch cộng đồng. Từng bước chuyển hóa các sản phẩm của du lịch cộng đồng tham gia Chương trình OCOP.

Tác giả bài viết: Thanh Bình - Chi cục PTNT tỉnh

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây