Khu du lịch sinh thái trằm Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng là một vùng sinh thái tự nhiên với vẻ nguyên sơ, phong cảnh hữu tình gồm nhiều loại cây rừng tự nhiên lâu năm cùng hồ sen, nhiều cá thể động vật hoang dã trú ngụ, là một trong nhiều điểm đến thu hút đông du khách. Những năm trở lại đây, trằm Trà Lộc còn được du khách gần xa biết đến không chỉ là điểm du lịch sinh thái, mà còn háo hức chờ đợi để tham gia lễ hội phá trằm được tổ chức vào ngày trung tuần tháng bảy âm lịch như một nét văn hóa độc đáo của vùng đất này.
Từng có hơn mười năm kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Khu du lịch sinh thái trằm Trà Lộc, chị Cáp Thị Huế cho biết, vào mùa hè, lượng du khách đến với trằm Trà Lộc rất đông. Đây cũng chính là mùa mang lại doanh thu chủ yếu cho các hộ kinh doanh nơi đây. “Hầu hết các hộ kinh doanh ăn uống ở khu vực này đều là người địa phương. Ngoài làm ruộng, chúng tôi làm thêm dịch vụ để có nguồn thu nhập. Như với gia đình tôi, nhờ có quán nhỏ này mà có thêm chi phí nuôi các con ăn học đàng hoàng. Tuy nhiên, do chỉ bán được mùa hè là chủ yếu nên nguồn thu này không ổn định”.
Tại Khu du lịch sinh thái trằm Trà Lộc, ngoài dịch vụ ăn uống, đến nay hầu như chưa có dịch vụ khác như câu cá thư giãn, đạp xe đạp quanh khu sinh thái để du khách được trải nghiệm… Đây cũng là hạn chế chung của nhiều điểm du lịch nông thôn khác trong tỉnh, đó là cơ sở hạ tầng còn hạn chế, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có tính độc đáo, khác biệt. Ngoài ra, hệ thống lưu trú homestay tại các điểm du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách cả về chất lượng và số lượng. Thị trường hàng lưu niệm chưa phong phú, đa dạng và thiếu bản sắc…
Còn nhiều bất cập khi triển khai hoạt động du lịch nông thôn tại các địa phương, trong đó có việc xúc tiến, quảng bá cho loại hình du lịch này còn nhiều hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực còn yếu, đa số là lao động phổ thông, chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ du lịch, thiếu hướng dẫn viên và thuyết minh viên tại các điểm du lịch cộng đồng. Hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, các tuyến đường kết nối đến các khu, điểm du lịch còn khó khăn…
Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như công tác quy hoạch chưa dự báo được các yếu tố thuận lợi tác động tích cực đến sự phát triển của du lịch. Một số quy hoạch, định hướng phát triển du lịch nông thôn thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp xu thế phát triển và tình hình thực tế, thiếu tính khả thi. Việc quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng các khu du lịch, điểm du lịch còn bất cập, chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp. Nguồn lực đầu tư cho du lịch và công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng của sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa cao. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực kinh tế còn nhiều hạn chế. Việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn còn manh mún và chưa có chiều sâu, thiếu bền vững, thiếu cách làm bài bản để thu hút và “giữ chân” du khách…
Để có các giải pháp và cách làm phù hợp, hiệu quả phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới, trước hết cần có nhận thức đúng về khái niệm du lịch nông thôn gắn với việc phát huy các giá trị cảnh quan, văn hóa của nông thôn cho hoạt động du lịch. Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng có xu hướng thu hẹp, sản xuất nông nghiệp phải cơ cấu lại, du lịch nông thôn cần phải được xem là một giải pháp để xây dựng NTM, không chỉ là một hướng để xóa đói giảm nghèo, mà còn để đa dạng hóa thu nhập cho người dân nông thôn và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như cảnh quan môi trường sinh thái.
Đặc biệt, cần phải xem sự tham gia của cộng đồng và người dân nông thôn với tư cách là chủ thể của du lịch nông thôn. Đề cao vai trò của việc hình thành các chuỗi giá trị trong quá trình phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, cần phát huy vai trò của các bên liên quan như các công ty lữ hành, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thông qua việc nâng cao giá trị và sự khác biệt của các sản phẩm hướng tới từng nhóm đối tượng du khách đặc thù.
Một số giải pháp trọng tâm để phát triển du lịch nông thôn được ngành văn hóa, thể thao và du lịch đề xuất như tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể nhà nước - doanh nghiệp - người dân trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, tạo điều kiện thu hút, liên kết các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch cộng đồng gắn với làm tốt công tác quản lý, phân chia lợi ích giữa các bên liên quan. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển du lịch cộng đồng theo quy luật kinh tế thị trường, có tầm nhìn dài hạn, phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên cơ sở tôn trọng yếu tố tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên, khai thác chiều sâu giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương và nâng cao ý thức, trách nhiệm của xã hội. Xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và hỗ trợ thông tin phục vụ phát triển du lịch nông thôn…
Ý tưởng khai thác, phát triển sản phẩm du lịch mang đặc trưng địa phương, tạo sự khác biệt với các điểm du lịch tương đồng cần quan tâm và tập trung triển khai thực hiện. Theo đó, đối với các điểm du lịch nông thôn, bên cạnh thiết kế tour tham quan rừng nguyên sinh, tắm suối nước nóng, ngắm hoa, ngắm giếng cổ… cần tập trung khai thác những nét văn hóa truyền thống người Vân Kiều, Pa Kô, lễ hội, làng nghề truyền thống ở các vùng quê… để tăng tính hấp dẫn thu hút khách du lịch.
Trên cơ sở thống kê thực trạng đội ngũ làm công tác du lịch nông thôn, tại các địa phương cần có kế hoạch đào tạo dài hạn và ngắn hạn về kỹ năng quản trị, điều hành du lịch, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch bằng việc thu hút nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao và thực hiện chính sách chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ địa phương để từng bước tiếp quản công tác quản lý kinh doanh du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước để kết nối các tour, tuyến đưa khách tham quan du lịch đến các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Tác giả bài viết: Bảo Bình
Nguồn tin: baoquangtri.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn