Thương mại điện tử, xu thế mới trong kinh doanh và tiêu dùng

Thứ ba - 03/05/2022 01:37
Xác định công nghệ thông tin có vai trò quan trọng trong kinh doanh và tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tích cực khai thác và ứng dụng có hiệu quả thương mại điện tử (TMĐT) vào hoạt động sản xuất kinh doanh, mua sắm. Việc ứng dụng TMĐT đã đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội, thúc đẩy phương thức mua bán, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Giao dịch mua sắm trên các trang mạng rất tiện lợi - Ảnh: KS
Giao dịch mua sắm trên các trang mạng rất tiện lợi - Ảnh: KS

Mua sắm nhanh chóng, tiện lợi

Nắm bắt xu thế kinh doanh trong thời đại 4.0, thời gian qua, Công ty TNHH Cao dược liệu Mai Thị Thủy ở thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ xem TMĐT là một công cụ đắc lực giúp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển TMĐT của tỉnh, từ năm 2010 đến nay, công ty tích cực cử người tham gia các hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật về TMĐT, tập huấn TMĐT để khởi nghiệp.

Đặc biệt, năm 2017, công ty đầu tư kinh phí xây dựng website giới thiệu, quảng bá các sản phẩm. Với nội dung và hình thức phong phú, trình bày đẹp, website đã thu hút nhiều lượt người truy cập tìm hiểu về sản phẩm và mua hàng. Bên cạnh đó, công ty tăng cường kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử như Vỏ Sò, Lazada, shopee, các trang mạng facebook, zalo... Nhờ vậy, doanh thu của công ty liên tục tăng, tạo động lực để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu.

Giám đốc Công ty TNHH Cao dược liệu Mai Thị Thủy chia sẻ: “Từ khi ứng dụng TMĐT vào sản xuất kinh doanh, các sản phẩm của công ty được giới thiệu rộng rãi trên thị trường. Do đó, người mua hàng trong và ngoài nước thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu, lựa chọn các loại cao dược liệu cũng như các thông tin hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty, tạo niềm tin đối với người tiêu thụ sản phẩm. Từ đầu năm 2020 đến nay, do COVID-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo phòng, chống dịch, chúng tôi tăng cường hơn việc mua bán trên sàn TMĐT, nền tảng số. Nhờ ứng dụng TMĐT, chúng tôi gắn kết, thấu hiểu người tiêu dùng hơn, góp phần tăng vị thế cạnh tranh trong thời đại số cũng như duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”.

Do tính chất nghề nghiệp bận rộn, không có thời gian trực tiếp đến các cửa hàng, shop mua sắm, nhiều năm nay, chị Hoàng Mỹ Hằng ở Phường 5, thành phố Đông Hà có thói quen đặt hàng trên các trang mạng internet. Chị Hằng cho biết: “Hiện nay, phần lớn ai cũng có điện thoại thông minh và sử dụng facebook, zalo, mạng internet…do đó rất thuận lợi trong việc tìm hiểu thông tin các sản phẩm theo nhu cầu. Với tôi, mua sắm trên môi trường mạng giúp tiết kiệm được nhiều thời gian vì bất cứ lúc nào cũng có thể truy cập mạng internet, đặc biệt nắm bắt được rất nhiều thông tin sản phẩm như chủng loại, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ. Nhiều lúc doanh nghiệp, cá nhân bán hàng có các chương trình ưu đãi giảm giá rất tốt, khách hàng chốt mua hàng rất tiện lợi và nhanh chóng”.
 

Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành, đầu tư các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị; xây dựng các website để giới thiệu, quảng bá, giao dịch bán hàng, trao đổi thông tin tìm kiếm mở rộng thị trường.

Qua đó, phát hiện cơ hội kinh doanh, giúp giao dịch với nhiều đối tác trong cùng một thời điểm, rút ngắn chu kỳ sản xuất và tăng doanh thu, lợi nhuận, góp phần quảng bá và giới thiệu sản phẩm nhanh hơn, tiết kiệm chi phí ít nhất; người tiêu dùng có được nhiều sự lựa chọn, tham khảo khi quyết định mua một sản phẩm hoặc dịch vụ với giá cả rẻ nhất và sản phẩm, dịch vụ cung ứng tốt nhất.

Sự phát triển của CNTT cũng đã tác động rất lớn trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, nhất là trong thời gian COVID-19 bùng phát, người dân trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cách thức tiếp cận thị trường và mua sắm, nhiều người dân đã thường xuyên truy cập các mạng xã hội, các công cụ bán hàng trực tuyến để lựa chọn những sản phẩm phù hợp.

Tích cực hỗ trợ để TMĐT phát triển

Thực hiện Quyết định số 1563/QĐTTg, ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020” với nhiều nội dung, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng TMĐT.

Để kế hoạch triển khai đạt kết quả cao, Sở Công thương tích cực phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nguồn nhân lực TMĐT thông qua các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, diễn đàn… đáp ứng được phần nào nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, sinh viên, thanh niên khởi nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, Sở Công thương đã hỗ trợ xây dựng 49 website cho các doanh nghiệp; hỗ trợ nâng cấp website TMĐT cho 13 doanh nghiệp; tổ chức 5 hội nghị tập huấn về TMĐT cho các doanh nghiệp, cán bộ quản lý của địa phương.

Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Trị được đưa vào vận hành từ năm 2018 có sự đăng ký tham gia của 30 gian hàng với hơn 100 sản phẩm. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cung cấp trực tuyến như cấp giấy phép, xin phép hoạt động sản xuất kinh doanh, thủ tục xuất nhập khẩu, hải quan, hải quan điện tử, kê khai thuế.... trên các website của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ cho tổ chức, người dân thuận tiện thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì Cổng thông tin doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh với các hoạt động chào mua, chào bán sản phẩm của doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong năm 2017 Sở Công thương đã triển khai nâng cấp hệ thống trực tuyến thông tin xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giúp cho việc quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu được thuận lợi hơn; tham mưu xây dựng sàn giao dịch TMĐT của tỉnh Quảng Trị. Năm 2021, sở tiến hành nâng cấp giao diện và các tính năng trên sàn TMĐT tỉnh Quảng Trị để cập nhật thêm các sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh; kết nối 5 doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước như: Lazada, Shopee.
 

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hữu Hưng cho biết: “Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2020 sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021- 2025. Trong đó, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 45% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị hàng hóa giao dịch trên môi trường trực tuyến đạt 100 USD/ người/năm vào năm 2025.

Khuyến khích phát triển TMĐT xuyên biên giới, gắn TMĐT với các hoạt động xuất nhập khẩu. 70% website TMĐT của doanh nghiệp có chức năng đặt hàng trực tuyến. 30-40% doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, các hộ kinh doanh cá thể có hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT, bao gồm các mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT. 100% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông, truyền hình chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp hóa đơn điện tử cho người tiêu dùng. Phấn đấu 50% các doanh nghiệp, HTX, các hộ kinh doanh cá thể được tham gia các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng TMĐT”.

 

Tác giả bài viết: Kô Kăn Sương

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây