Xã Đakrông có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn như suối nước nóng Klu, thôn Làng Cát, cầu treo Đakrông nằm trong khu di tích - danh thắng Đakrông… Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đakrông Hồ Thanh cho hay: “Hơn 1 năm khu du lịch sinh thái suối nước nóng Klu đi vào hoạt động (từ năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của lũ lụt, dịch bệnh nên khu du lịch sinh thái dừng hoạt động) đã tạo thêm sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân với các dịch vụ phong phú, đa dạng, từ đó góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Là một xã vùng cao, điều kiện KTXH còn nhiều khó khăn nên việc bắt tay vào thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM là không dễ dàng. Các tiềm năng du lịch trên địa bàn xã tuy có nhưng nguồn lực của địa phương hạn chế, không thể đầu tư để khai thác hiệu quả.
Do vậy, nếu được sự quan tâm của cấp trên về đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương để phát triển du lịch nông thôn sẽ góp phần quan trọng để thực hiện một số tiêu chí trong xây dựng NTM như tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống vùng nông thôn miền núi”.
Huyện Đakrông hiện có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn. Đó là hệ thống cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, núi rừng, sông suối tạo sự hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan. Hệ thống sinh thái rừng đặc trưng có giá trị cao, Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông với nhiều loại động, thực vật phong phú, đa dạng và quý hiếm, tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch khám phá.
Hệ thống sông, suối, hang động mang vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, trong lành, đặc biệt suối nước nóng Klu có giá trị nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Vùng đất này còn là nơi sinh sống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô với bản sắc văn hoá độc đáo, có những nét riêng về lối sống, kiến trúc nhà ở, phong tục, tập quán, lễ hội và các hoạt động sản xuất làng nghề truyền thống phong phú, đặc sắc. Đây là yếu tố hấp dẫn, thu hút du khách đến tìm hiểu, tham quan và trải nghiệm.
Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế sẵn có, thời gian qua, bước đầu huyện Đakrông đã có sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng như hàng dệt thổ cẩm, rượu cần và nhiều sản phẩm khác đang được khôi phục ở làng văn hóa du lịch dân tộc Làng Cát, bản Klu…
Để tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương, hướng tới phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, huyện Đakrông đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn có từ 1-3 điểm du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, ngành nghề truyền thống hoặc môi trường sinh thái của địa phương và được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 30% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch…
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, địa phương sẽ chú trọng nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng của địa phương; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn; truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn. Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Để phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM, huyện Đakrông sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách liên quan. Đó là xây dựng định hướng phát triển du lịch nông thôn và tích hợp, bổ sung trong quy hoạch phát triển KT-XH và quy hoạch nông thôn. Thúc đẩy liên kết nông thôn - đô thị trong phát triển du lịch. Ưu tiên phát triển du lịch nông thôn ở những nơi có lợi thế về tài nguyên, kết nối với các khu vực động lực phát triển du lịch, trung tâm du lịch…
Việc huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn cũng được quan tâm thực hiện. Theo đó, địa phương sẽ tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác nông nghiệp, đóng góp của cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác cho phát triển du lịch nông thôn.
Thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn tại các địa bàn; khuyến khích, kêu gọi các sáng kiến, ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch nông thôn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động của cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng NTM.
Tổ chức các lễ hội, hoạt động kết nối du lịch các vùng miền; truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn tại các hội chợ, triển lãm. Bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn. Tăng cường hợp tác, phối hợp về phát triển du lịch nông thôn như chia sẻ, trao đổi thông tin và phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực liên quan nhằm triển khai hoạt động phát triển du lịch nông thôn đồng bộ và hiệu quả.
Năm 2023, chương trình xây dựng NTM tiếp tục được huyện Đakrông triển khai gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Duy trì, giữ vững 115 tiêu chí đã đạt được đến cuối năm 2022; phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt 143 tiêu chí…Tin tưởng rằng, với nhiều giải pháp trong phát triển du lịch nông thôn mà huyện Đakrông triển khai trong thời gian tới sẽ góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần vào thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn.
Tác giả bài viết: Thanh Lê
Nguồn tin: baoquangtri.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn