Trên diện tích gần 2 ha, Khu du lịch nghỉ dưỡng Bảo Nguyên Xanh, thôn Của, xã Hướng Tân do ông Lê Sỹ Huế làm chủ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá đồng bộ như vườn hoa, nhà hàng, hồ nước, đường giao thông nội bộ. Ngoài ra, có 6 căn nhà đơn lập theo dạng homestay được xây dựng khá kiên cố bằng bê tông cốt thép phục vụ nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng qua đêm của khách du lịch.
Mặc dù mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2022 nhưng Khu du lịch nghỉ dưỡng Bảo Nguyên Xanh đang là một điểm đến khá hấp dẫn, thu hút lượng khách tương đối lớn. Đến thời điểm hiện tại, lượng khách đặt phòng cho dịp trước, trong và sau lễ 30/4 đã kín lịch. Hiện trong khuôn viên khu du lịch nghỉ dưỡng này có thêm 3 căn nhà đơn lập khác đang được gấp rút xây dựng hoàn thiện. Tổng mức đầu tư cho khu du lịch này đến nay khoảng 20 tỉ đồng.
Ông Lê Sỹ Huế thừa nhận hầu hết các công trình trong khu du lịch hiện đều đang được xây dựng trên đất trồng cây lâu năm, chưa có giấy phép xây dựng cũng như các thủ tục liên quan.
“Tôi biết việc xây dựng như thế này là không đúng quy định pháp luật. Hiện tại, phần lớn các dự án farmstay trên địa bàn có nguồn gốc đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo quy định, đất quy hoạch phát triển nông nghiệp thì không được xây dựng nhà cửa (hay phục vụ lưu trú), cơ sở kỹ thuật.
Trong khi đó, khi đến tham quan các điểm du lịch, rất đông người dân có nhu cầu lưu trú, do đó chúng tôi đã xây dựng các nhà đơn lập để khách có chỗ nghỉ lại. Mục tiêu là tạo ra những điểm du lịch nghỉ dưỡng để phục vụ du khách, kích cầu du lịch địa phương phát triển. Vì chưa chuyển đổi được mục đích sử dụng đất nên cơ sở đang đầu tư “cầm chừng”, cắt giảm quy mô như thiết kế ban đầu.
Tôi mong muốn UBND huyện và UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất để chúng tôi có cơ sở đầu tư bài bản”.
Theo chỉ đạo của UBND huyện Hướng Hóa, đầu năm 2023, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành rà soát tình hình sử dụng đất tại các điểm du lịch tự phát trên địa bàn. Kết quả, có khoảng 12 điểm du lịch tự phát theo hình thức du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng. Hầu hết các điểm du lịch này đều đang xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm.
Thậm chí một số điểm du lịch như: Khu du lịch sinh thái Tuyệt Tình Cốc ở xã Hướng Linh, Mây chân trời ở xã Hướng Tân hay Cà phê HOMI tại xã Tân Hợp… còn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các hạng mục xây dựng tại các điểm du lịch này đều chưa được cấp phép xây dựng do chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất
So với các địa phương trong tỉnh, Hướng Hóa có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng và đang dần thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Điểm du lịch nghỉ dưỡng Khe Sanh Valley Farm được xây dựng khá đồng bộ theo mô hình du lịch nông trại với hệ thống đường nội bộ, các nhà chòi nổi trên hồ nước, vườn hoa, quán ăn, các khu vực tiểu cảnh để du khách chụp ảnh… Ngoài ra còn có một số căn nhà dành cho khách lưu trú, nghỉ dưỡng đang được hoàn thiện. Hầu hết đều được làm theo hình thức lắp ghép.
Chị Hồ Thị Phương, chủ cơ sở cho biết, tổng diện tích của điểm du lịch này khoảng 6 ha, trong đó diện tích đã xây dựng và đưa vào hoạt động khoảng 2 ha. Toàn bộ đều là đất nông nghiệp của gia đình, trước đây được sử dụng để trồng cây cà phê. Mặc dù đã đi vào hoạt động được khoảng 3 năm nhưng đến nay, điểm du lịch này vẫn gặp vướng mắc trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, không được cấp phép xây dựng.
Chị Phương bày tỏ: “Tâm nguyện của chúng tôi là tạo ra một không gian, điểm đến hấp dẫn để du khách có nơi vui chơi, nghỉ dưỡng. Vì vậy trong thời gian tới, mong muốn các cấp, các ngành hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thương mại, dịch vụ và các thủ tục pháp lý khác theo đúng quy định pháp luật để yên tâm đầu tư mở rộng dịch vụ”.
Theo Điều 11, Nghị định số 91/2019/NĐCP ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì tất cả các điểm du lịch nghỉ dưỡng xây dựng trên đất trồng cây lâu năm đều bị xử phạt bằng tiền tùy thuộc vào diện tích vi phạm. Mức xử phạt thấp nhất là từ 3 - 5 triệu đồng đối với diện tích dưới 0,02 ha và cao nhất lên đến 160 - 300 triệu đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 3 ha trở lên. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Cũng chung tình trạng sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích nên chủ mô hình du lịch vườn hoa Miền Viên Thảo gặp khó trong việc vay vốn mở rộng dịch vụ. Chị Đinh Thị Thu Thảo, chủ mô hình vườn hoa Miền Viên Thảo cho biết: “Hiện tổng diện tích của mô hình là đất nông nghiệp, nhiều năm nay chúng tôi trồng hoa để làm điểm du lịch cho khách đến tham quan, chụp ảnh. Khi tôi đi vay vốn ngân hàng thì vướng mắc bởi sử dụng đất sai mục đích. Tôi mong muốn các cơ quan, ban ngành xem xét tạo điều kiện cho những cơ sở làm mô hình du lịch cộng đồng như tôi được chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất để mở rộng mô hình”.
Tại Hội thảo khoa học chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hướng Hóa được tổ chức vào cuối năm 2022, đã có rất nhiều ý kiến trăn trở của người làm du lịch. Trong đó những vướng mắc liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng được kiến nghị là: vấn đề quy hoạch quỹ đất dành cho phát triển du lịch, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các hộ dân để làm du lịch cộng đồng, giao thông kết nối các điểm tham quan còn hạn chế… Bài toán khó này đang đặt ra cho địa phương hiện vẫn chưa có lời giải.
Tác giả bài viết: Thục Quyên - Bảo Bình
Nguồn tin: baoquangtri.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn