Hướng xử lý nào cho các điểm du lịch xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ?. Bài 2: Tháo gỡ vướng mắc về đất đai để phát triển du lịch cộng đồng

Thứ ba - 28/03/2023 22:09
Thực tế hiện nay, không riêng gì trên địa bàn huyện Hướng Hóa mà ở các địa phương khác, có rất nhiều mô hình làm du lịch tự phát ở nông thôn trên đất nông nghiệp. Tuy hiệu quả kinh tế mang lại rất cao so với thu nhập thuần nông trước đây, nhưng hoạt động kinh doanh du lịch lại đang... trái phép. Vấn đề quy hoạch sử dụng đất để phát triển du lịch, cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch này đòi hỏi các ngành chức năng, các địa phương đặc biệt quan tâm để sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Khu du lịch nghỉ dưỡng Khe Sanh Valley Farm được xây dựng theo mô hình du lịch nông trại - Ảnh: TT
Khu du lịch nghỉ dưỡng Khe Sanh Valley Farm được xây dựng theo mô hình du lịch nông trại - Ảnh: TT

Đề xuất phương án xử lý trước mắt

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết, việc các điểm du lịch tự phát xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp hoặc đất trồng cây lâu năm, hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, địa phương đã nắm bắt thông tin.

Ông Hổ khẳng định, không có chuyện địa phương “buông lỏng quản lý đất đai”, vấn đề vướng mắc là làm sao thực hiện hài hòa giữa việc quản lý đất đai và chủ trương ưu tiên, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch cộng đồng theo tinh thần của nghị quyết HĐND tỉnh cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hướng Hóa.

Quan điểm của UBND huyện là ủng hộ các mô hình phát triển du lịch cộng đồng như homestay, farmstay để góp phần quảng bá hình ảnh địa phương. Tuy nhiên, các loại hình này trước hết cần phải đảm bảo tính pháp lý về đất đai, quy hoạch xây dựng. Huyện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án có quy mô, diện tích đủ lớn để được cấp chủ trương đầu tư, được chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ theo quy định.

Đối với các điểm du lịch tự phát, UBND huyện đã có văn bản yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. “Trước mắt, hướng xử lý của huyện là cố gắng làm sao để giữ nguyên hiện trạng các điểm du lịch tự phát đã được xây dựng và đưa vào hoạt động để bảo đảm lợi ích cho chủ đầu tư.

Kiểm soát chặt chẽ việc phát triển thêm các điểm du lịch mới. Đồng thời, giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan đề xuất phương án tháo gỡ những vướng mắc trên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình phát triển du lịch trên cơ sở phải đảm bảo đúng quy định pháp luật”, ông Hổ cho biết.
 

UBND huyện Hướng Hóa cũng giao nhiệm vụ cho Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn huyện được phép sử dụng đất nông nghiệp kết hợp làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trình cơ quan thẩm quyền thông qua nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân phát triển du lịch.

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa Nguyễn Thị Huyền cho biết thêm: “Xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hướng Hóa giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến 2030 là nhiệm vụ trọng tâm mà đơn vị được giao chủ trì thực hiện trong kế hoạch phát triển du lịch huyện Hướng Hóa năm 2023.

Mục tiêu nhằm định hướng phát triển, đề ra giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Đây là cơ sở để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chương trình hành động số 48-CTHĐ/HU, ngày 19/12/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 7/4/2020 của UBND huyện về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Tạo hành lang pháp lý để phát triển du lịch cộng đồng

Từ các trường hợp vi phạm trên địa bàn huyện Hướng Hóa cho thấy, đất để xây dựng mô hình farmstay của hộ gia đình, cá nhân thường là đất sản xuất nông nghiệp hoặc đất trồng cây lâu năm.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức muốn sử dụng đất để làm farmstay dùng cho khách tham quan, du lịch và lưu trú phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Nếu hộ gia đình, cá nhân hoặc các trang trại nông nghiệp kinh doanh loại hình farmstay tự phát, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép thì có dấu hiệu vi phạm về quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp.

Các doanh nghiệp muốn chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng thành đất thương mại, dịch vụ để thực hiện các dự án đầu tư, kể cả dự án farmstay phải lập dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về du lịch, phải phù hợp với quy hoạch và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét chấp thuận phê duyệt dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành đất thương mại, dịch vụ thì mới đảm bảo tính pháp lý của dự án.

Thời gian qua, ở nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng việc địa phương khuyến khích, phát triển du lịch nội địa đã mua gom đất nông nghiệp, đất rừng trồng sản xuất của người dân để đầu tư điểm du lịch trái phép, tiềm ẩn phá vỡ quy hoạch vùng, phá vỡ kế hoạch sử dụng đất.

Tình trạng xây dựng các điểm du lịch cộng đồng trái phép trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất rừng cũng đang là vấn đề nhức nhối của nhiều địa phương trong cả nước. Thực tế này đòi hỏi cần sự phối hợp giữa bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan, tạo hành lang pháp lý cho loại hình kinh tế này phát triển đúng quy định của pháp luật.

Để tránh tình trạng “mọi sự đã rồi” như hiện nay, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân trình tự thủ tục đầu tư homestay, farmstay theo hướng dẫn của Sở Xây dựng. Không để xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng trái pháp luật phải xử phạt cưỡng chế, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và thiệt hại về kinh tế cho người dân, doanh nghiệp.

Về lâu dài, tỉnh cần có các quy hoạch, định hướng cụ thể để giúp các mô hình du lịch này phát triển một cách bền vững nhằm cân đối giữa nhu cầu và tiềm năng, tránh tình trạng phát triển tự phát, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhân dân.

Riêng đối với huyện Hướng Hóa, địa phương cần xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển du lịch cộng đồng cho từng giai đoạn đối với các điểm có tiềm năng phát triển du lịch nhằm hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển từng giai đoạn cụ thể.

Tăng cường rà soát, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh mục đích sử dụng đất đối với các điểm du lịch đã triển khai xây dựng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn.

Tác giả bài viết: Thục Quyên - Bảo Bình

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây