Hiệu quả các nghề truyền thống, làng nghề

Thứ ba - 16/08/2022 23:59
Trong những năm qua, công tác phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống ở huyện Hải Lăng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn.

Nghề làm mứt gừng ở làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh là nghề truyền thống với tuổi đời hàng trăm năm. Hiện tại, ngoài 6 cơ sở sản xuất lớn với khoảng 150 lao động, còn có hàng chục cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Thời vụ sản xuất trong khoảng 2 tháng giáp tết Nguyên đán nhưng tổng sản phẩm của mỗi vụ đạt từ 30 - 60 tấn, doanh thu từ 1,5 - 3,5 tỉ đồng.

Thu nhập của bình quân của lao động đạt từ 5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các địa phương nội tỉnh và tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh... với giá 45.000 - 60.000 đồng/kg.

Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh cho biết, để giữ được thương hiệu nghề truyền thống mứt gừng Mỹ Chánh, bên cạnh hương ước của làng, hằng năm trước khi bước vào vụ sản xuất, UBND xã đều tổ chức họp các hộ làm mứt gừng, ký cam kết không sử dụng hóa chất trong chế biến.

Tất cả các công đoạn sản xuất đều được thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống. Đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Đồng thời, hỗ trợ thành lập tổ hợp tác mứt gừng Mỹ Chánh, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, cũng như phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Còn tại làng nghề truyền thống nước mắm Mỹ Thủy, xã Hải An hiện có 45 cơ sở đang hoạt động với khoảng 150 lao động, trong đó có khoảng 90 lao động thường xuyên. Nguồn nguyên liệu chủ yếu sử dụng để sản xuất, chế biến là hải sản khai thác tại địa phương, ngoài ra còn nhập nguyên liệu thô ở một số huyện lân cận. Tổng sản lượng năm 2021 đạt khoảng 930.450 lít. Doanh thu trên 41 tỉ đồng.

Thu nhập bình quân của mỗi lao động đạt khoảng 9 triệu đồng/tháng. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải An Nguyễn Công Tuấn, hiện tại sản phẩm nước mắm Mỹ Thủy đã được đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu và đang trong quá trình thực hiện đăng ký mã số, mã vạch, phát triển thương hiệu sản phẩm nhằm tiến tới đưa sản phẩm nước mắm vào các siêu thị, trung tâm thương mại.

Theo thống kê, huyện Hải Lăng hiện có 9 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 2 nghề truyền thống là nghề truyền thống mứt gừng Mỹ Chánh và nghề truyền thống giá đỗ Lam Thủy; 1 làng nghề chổi đót Văn Phong; 6 làng nghề truyền thống gồm: Làng nghề bánh ướt Phương Lang, nước mắm Mỹ Thủy, rượu Kim Long và nón lá Văn Trị, Văn Quỹ, Trà Lộc. Các làng nghề có 584 cơ sở, hộ gia đình sản xuất với hơn 840 lao động.

Tổng giá trị sản xuất năm 2021 đạt khoảng 67,4 tỉ đồng, chiếm 2,3% tổng giá trị sản xuất của ngành CN - TTCN và chiếm 0,68% tổng giá trị sản xuất của huyện. Thu nhập bình quân của mỗi lao động đạt 4 triệu đồng/tháng. Có 4/9 ngành nghề nông thôn, sản phẩm đã có nhãn mác; 3/9 ngành nghề nông thôn đã có tem truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống vẫn còn những tồn tại hạn chế như: hoạt động của Ban điều hành các làng nghề, làng nghề truyền thống còn lúng túng, chưa hiệu quả; chủ cơ sở năng lực hạn chế, tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp, chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm; quy mô nhỏ lẻ, manh mún, mặt bằng sản xuất chật hẹp; sản lượng, doanh thu tăng chậm; chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh chưa cao; nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất nhỏ. Việc thông tin thị trường, quảng bá tiếp thị còn yếu, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tại chỗ, rao bán riêng lẻ; mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm còn đơn điệu, chưa tạo ra được những mẫu mã riêng…

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, cùng với các chính sách hỗ trợ trong tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý sản xuất kinh doanh, kỹ năng bán hàng, ứng dụng công nghệ cho các chủ cơ sở làng nghề trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, huyện khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tăng cường truyền đạt những kỹ năng, bí quyết nghề cho lao động.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đa dạng hóa phương thức, thời lượng đào tạo, phù hợp với từng lứa tuổi, nhóm đối tượng; gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, truyền nghề. Xây dựng mối liên kết giữa HTX nghề truyền thống với doanh nghiệp để hình thành chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ kỹ thuật, đưa các thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất; phát triển các nghề truyền thống, làng nghề gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu; sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái trong các làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.

Lồng ghép các chính sách khuyến công, chương trình, dự án phát triển CN - TTCN để hỗ trợ các hộ làm nghề đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật; đầu tư máy móc hiện đại; kết hợp hài hòa giữa thủ công truyền thống với công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, chỉ đạo những làng nghề có lợi thế về vị trí địa lý, có các sản phẩm đặc trưng bố trí gắn với các tuyến, điểm du lịch như: Làng nghề truyền thống nón lá Trà Lộc gắn với Khu du lịch sinh thái Trà Lộc, Trung tâm hành hương đức mẹ La Vang; làng nghề truyền thống rượu Kim Long, nước mắm Mỹ Thủy gắn với bãi tắm Mỹ Thủy... Hỗ trợ đầu tư xây dựng các xưởng, khu sản xuất đảm bảo tốt các điều kiện hoạt động làm điểm du lịch để tổ chức tham quan cho du khách.

Xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa; hỗ trợ xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.

“Bên cạnh việc nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người lao động, huyện còn phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 6 sản phẩm của các nghề truyền thống, làng nghề được UBND tỉnh công nhận đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển CN - TTCN, TM - DV gắn với xây dựng nông thôn mới”, ông Hải cho biết thêm.

Tác giả bài viết: Thục Quyên

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây