Tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường cho các sản phẩm OCOP

Thứ năm - 14/07/2022 23:03
Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, huyện Vĩnh Linh đã có 11 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Để các sản phẩm này có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất, huyện Vĩnh Linh đang triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả, từ đó tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế của các địa phương.
Các sản phẩm OCOP của huyện Vĩnh Linh
Các sản phẩm OCOP của huyện Vĩnh Linh
Trong số 11 sản phẩm của huyện Vĩnh Linh đã được công nhận đạt chuẩn, có 2 sản phẩm đạt mức 4 sao là Tinh bột nghệ Curminreal của Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung; Hồ Tiêu đỏ của HTX Hồ tiêu Vĩnh Linh. 9 sản phẩm dạt mức 3 sao, gồm: Dầu Lạc nguyên chất của công ty Hùng Thịnh Thành và của hộ kinh doanh Lê Thanh Biên; Miến Ngũ Sắc Loan Hảo; Nước mắm nhĩ cá cơm Khiêm Trọng; Cốm gạo lứt rong biển và Muối Cá lá của cơ sở sản xuất Gia Hân; Bánh quy tinh bột ngô, Bánh quy tinh bột nghệ của Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung; và Bột đậu xanh Vĩnh Giang.

Các sản phẩm sau khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã tác động mạnh mẽ đến giá trị và uy tín của sản phẩm, từ đó giá bán có xu hướng tăng. Ðơn cử như sản phẩm Miến gạo Loan Hảo ở thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành sau khi được công nhận đạt mức 3 sao cấp tỉnh thì sản lượng, giá bán đã tăng nhiều lần. Chị Nguyễn Thị Hảo, chủ cơ sở cho hay: “Thời gian đầu, cơ sở của chị chỉ sản xuất từ 15-20kg miến khô thành phẩm mỗi ngày và phải gửi đi các quán tạp hóa nhỏ trong vùng để giới thiệu sản phẩm. Giai đoạn 2017 - 2019 sản xuất trung bình 70-100kg/ ngày. Đến năm 2020, sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh sản lượng tiêu thụ sản phẩm của cơ sở ngày càng tăng. Đến nay, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 250 - 300kg miến gạo thành phẩm. Giá bán đạt 110.000đồng/kg, cao hơn trước đây 20.000đồng/kg”.

          Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh, Lê Thị Thúy Kiều cho biết: “Các sản phẩm OCOP của huyện Vĩnh Linh hiện nay đã khẳng định được uy tín, thương hiệu đối với khách hàng cả nước. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm này ra thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay là điều không đơn giản. Để giúp sản phẩm OCOP chinh phục thị trường, công tác quản lý để loại bỏ hàng giả, hàng nhái, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các sản phẩm, kích thích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt đang được các cấp, các ngành trong huyện tiếp tục đẩy mạnh. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại được xác định là giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng sản phẩm. Huyện tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia các hội chợ thương mại, tiếp thị sản phẩm OCOP; xây dựng hệ thống hỗ trợ xúc tiến và quảng bá các sản phẩm OCOP qua việc xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP”.

          Trong giai đoạn 2019 - 2021, từ nguồn vốn thực hiện chương trình OCOP, huyện Vĩnh Linh đã hỗ trợ 600 triệu đồng cho các chủ thể từng bước hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm. Nội dung hỗ trợ tập trung vào việc mua bao bì, nhãn mác; phân tích, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm; hỗ trợ mua máy móc thiết bị; hỗ trợ chứng nhận cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức đánh giá chuỗi giá trị các sản phẩm tiềm năng đạt từ 3 sao trở lên để phân tích rõ điều kiện, khả năng phát triển của sản phẩm để có phương án hỗ trợ theo chuỗi, khâu sản xuất.

          Tuy vậy, việc phát triển sản phẩm OCOP ở huyện Vĩnh Linh vẫn còn những khó khăn nhất định. Mặc dù đã được triển khai nhưng số lượng cơ quan, đơn vị và các chủ thể sản xuất cũng như người dân trên địa bàn chưa nắm rõ, hiểu sâu về nội dung chương trình. Một số cơ sở mặc dù có sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã nhưng chưa chủ động tham gia chương trình. Bên cạnh đó, nguồn lực của một số hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn hạn chế nên khả năng tự chủ, tự lực trong thực hiện hoàn thiện một số nội dung, tiêu chí để nâng cấp thành sản phẩm OCOP còn gặp khó khăn.

          Về định hướng thời gian tới, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh, Lê Thị Thúy Kiều cho biết thêm: “Nhằm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường hiện nay, trước mắt công tác tuyên truyền quảng bá về chương trình cần tiếp tục được chú trọng để nâng cao nhận thức của người dân. Địa phương sẽ dành nguồn lực để làm tốt hơn công tác tư vấn và phát triển mẫu mã cho các sản phẩm của các chủ thể. Hỗ trợ, vận động chủ thể đầu tư áp dụng công nghệ mới hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đã được công nhận. Đặc biệt, sản phẩm làm ra phải có sự liên kết sản xuất theo mô hình HTX, phải xây dựng được hệ thống bán hàng. Mặt khác doanh nghiệp cũng cần phải bỏ chi phí để tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thị trường, từ đó có những giải pháp, định hướng phát triển sản phẩm một cách bền vững”.

Theo quy định, sau 3 năm công nhận, ngành chức năng sẽ đánh giá lại các tiêu chí, nếu sản phẩm nào không đảm bảo thì sẽ bị rớt xuống hạng sao thấp hơn hoặc thu hồi giấy chứng nhận đạt sao. Do đó, huyện Vĩnh Linh tiếp tục khuyến khích các chủ thể quan tâm cải tiến quy trình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm OCOP. Đặc biệt nguyên liệu đầu vào phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ đúng theo tiêu chí của chương trình. Huyện Vĩnh Linh cũng đang đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có trên 15 sản phẩm đạt từ 3, 4 sao được công nhận, chứng nhận. Trong đó, có ít nhất 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp Quốc gia./.

Tác giả bài viết: Mỹ Hằng

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây