HẠT TIÊU CÙA

Thứ hai - 11/01/2021 02:35
ĐẶC SẢN TIÊU CÙA
ĐẶC SẢN TIÊU CÙA

Hạt tiêu Cùa

HTX HỒ TIÊU CÙA VÀ SỨ MỆNH PHỤC HƯNG LOÀI CÂY ĐẶC SẢN XỨ CÙA

HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP DỊCH VỤ HỒ TIÊU CÙA
ĐỊA CHỈ: Thôn Nghĩa Phong, Xã Cam Nghĩa, Huyện Cam Lộ, Tỉnh Quảng Trị.
Người đại diện: (Ông) Trần Hà.
Số điện thoại: 0916.070.027.
Email: tranhacua@gmail.com


Là người đã lăn lộn với Hợp tác xã Tiêu Cùa mấy chục năm nay, ông Trần Hà – Chủ tịch HTX chưa bao giờ thôi trăn trở về việc phát triển loài tiêu này trở thành sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn của Quảng Trị cũng như đưa tên tuổi của tiêu Cùa trở lại thời kỳ hưng thịnh. Tuy nhiên cũng như bao loại nông sản khác của Việt Nam, tiêu Cùa cũng đang đứng trước thách thức của nền kinh tế thị trường. Vậy làm thế nào để khôi phục lại danh tiếng của tiêu Cùa? Làm sao để phát triển kinh doanh và tìm đầu ra trên thị trường loại gia vị đặc sản này? Hãy cùng theo chân các cán bộ dự án Hỗ trợ Doanh nghiệp vì mục đích phát triển (EFD) khám phá câu chuyện của HTX Nông nghiệp và dịch vụ tiêu Cùa nhé các bạn.
Ông Hà vẫn còn nhớ những ngày sau giải phóng, vùng đất đỏ ba dan thuộc huyện Cam Lộ đã được quy hoạch, xây dựng thành vùng trọng điểm trồng cây hồ tiêu. Trước những năm 1990, diện tích tiêu tại Cam Lộ có lúc trên 900 ha cây. Việc kinh doanh hồ tiêu đã mang lại cuộc sống ổn định cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn. Người Quảng Trị lúc ấy vô cùng tự hào vì hồ tiêu vùng Cùa trái không chỉ đều đẹp, mà hàm lượng tinh dầu cao, hạt chắc, hương vị nồng cay, thơm ngon không nơi nào trên đất nước Việt Nam sánh được.
Tiêu Cùa sau đó vẫn duy trì được vị thế của mình trong suốt 15 năm trước khi bước vào thời kỳ khủng hoảng vào những năm 2005. Đến năm 2010, diện tích tiêu Cùa đã sụt giảm từ hơn 900 ha xuống còn 300 ha. Nhiều diện tích hồ tiêu già cỗi, hết chu kỳ khai thác đã bị chặt bỏ, giá tiêu liên tục rớt giá, người dân vì thế không còn mặn mà với tiêu mà đã chuyển sang trồng cao su và các loại cây khác. Ông Hà trầm ngâm kể lại: “Tiêu là cây công nghiệp dài ngày, trồng cả năm mới có một vụ thu hoạch thì lại gặp phải cảnh được mùa mất giá nên người dân đang dần từ bỏ việc trồng tiêu. Họ đi cạo mủ cao su, nếu chăm chỉ cạo mủ thì mỗi ngày họ cũng kiếm được 500,000 đồng mỗi ngày.”
HTX tiêu Cùa do ông Hà làm Chủ tịch đã trải qua rất nhiều năm chật vật để duy trì sản xuất cũng như hỗ trợ sinh kế cho 600 hộ dân trong HTX. Bên cạnh các dịch vụ nông nghiệp và dịch vụ môi trường cho 600 nông hộ trồng lúa, cao su, hồ tiêu… thuộc địa phận quản lý, HTX Cùa còn thực hiện các hoạt động kinh doanh, kết nối thị trường trực tiếp cho sản phẩm bản địa. Hành trình tạo sinh kế cho người dân mà vẫn đảm bảo duy trì sản phẩm bản địa của địa phương mình, làm thế nào để không bị cuốn theo lợi nhuận để trồng cao su…thực sự là thách thức lớn với vị lãnh đạo HTX này.
Không từ bỏ việc trồng tiêu, ông Trần Hà đã cùng chính quyền địa phương tìm cách để “cứu” tiêu Cùa. Ông Hà vẫn còn nhớ, vào thời điểm đó Ban chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ đã ra Nghị quyết chuyên đề với nội dung khôi phục và trồng mới 500ha hồ tiêu giai đoạn 2011 – 2015. Thông qua việc triển khai đề án này người trồng hồ tiêu sẽ áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, hạn chế dịch bệnh, có điều kiện đầu tư thâm canh cây tiêu theo hướng bền vững, hiệu quả. Ông Hà khi đó đang là Chủ tịch Hợp tác xã tiêu Cùa đã không ngần ngại tình nguyện để các cán bộ kỹ thuật thử nghiệm các biện pháp canh tác và kỹ thuật mới lên vườn tiêu lâu năm của gia đình dù biết rằng, thử nghiệm đó thất bại đồng nghĩa với việc vườn tiêu cao lớn, xanh mướt được gia đình ông vun trồng mấy chục năm qua sẽ không còn nữa.


Nhiều năm qua, ông Hà và các thành viên của HTX vẫn đang loay hoay để tìm đầu ra cho sản phẩm tiêu Cùa. Chính ông thừa nhận: “Ban quản trị HTX là các cán bộ nông nghiệp lâu năm, giàu kinh nghiệm về kĩ thuật sản xuất nhưng họ lại thiếu kiến thức và kinh nghiệm quản trị kinh doanh nên việc phát triển thị trường và tìm đầu ra cho tiêu Cùa thực sự bế tắc.” Trong lúc đó, ông Hà cùng các cán bộ đã biết đến thông tin Dự án Hỗ trợ Doanh nghiệp vì mục đích Phát triển (EFD) do CSIP và Oxfam tổ chức, ông đã ngay lập tức đăng ký tham gia và may mắn được lựa chọn là 1 trong 13 doanh nghiệp tham gia Dự án EFD 2016 – 2017.
Trải qua nhiều tháng đào tạo và tư vấn chuyên sâu của các chuyên gia từ dự án, ông Hà đã hiểu rõ hơn điểm mạnh, điểm yếu của HTX cũng như cách tháo gỡ những nút thắt hiện tại. Trong đó, mô hình quản lý theo đặc thù hợp tác xã cũng như thiếu kiến thức về quản trị kinh doanh là một trong những nguyên nhân chính mà ông cùng các chuyên gia tìm ra sau quá trình khảo sát và phân tích tình hình thực tế của HTX.


Tham gia dự án EFD, HTX tiêu Cùa đã được cung cấp kiến thức & kĩ năng về quản trị tinh gọn và lãnh đạo DNNVV, quản trị chiến lược, tổng quan về quản trị nhân sự, xây dựng chiến lược thương hiệu. Đặc biệt, gói tư vấn đồng hành tương đương hơn 120 giờ làm việc của chuyên gia tư vấn nhằm giúp HTX xây dựng kế hoạch kinh doanh tầm trung hạn cũng đã được thực hiện. Chia sẻ về chương trình EFD, ông Hà cho biết: “Tham gia EFD, chúng tôi đã nhìn nhận lại hoạt động kinh doanh của mình thực chất và toàn diện hơn, từ đó định hình được hướng phát triển cho hợp tác xã; chúng tôi cũng hiểu hơn giá trị của các tác động xã hội mà đơn vị đang tạo ra.”
Mong muốn phục hưng lại thời kỳ hưng vượng cho tiêu Cùa của ông Hà và rất nhiều người dân Quảng Trị thực sự là một sứ mệnh lớn, trong đó rất cần sự nỗ lực của các bên. Với EFD, việc tham gia đào tạo cho đội ngũ lãnh đạo của HTX được kỳ vọng sẽ giúp HTX hiểu rõ hơn về mô hình của mình, từ đó giúp họ xác định rõ hơn hướng kinh doanh, các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn để phát triển hiệu quả hơn.

 

Tác giả bài viết: ADMIN

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây