Giái pháp tháo gỡ khó khăn cho chủ thể OCOP trong điều kiện dịch bệnh Covid-19

Thứ năm - 18/11/2021 01:35
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh. Đa số các sản phẩm OCOP đều giảm sản lượng sản xuất, tiêu thụ, doanh thu so với giai đoạn 2018 – 2020.
Sản phẩm Măng dầm tỏi ớt của Công ty TNHH MTV Hoàng Tuấn Tùng trên sàn TMĐT
Sản phẩm Măng dầm tỏi ớt của Công ty TNHH MTV Hoàng Tuấn Tùng trên sàn TMĐT
Sản lượng, doanh thu tụt giảm
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị có 53 sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm OCOP 4 sao và 46 sản phẩm OCOP 3 sao, có 36 chủ thể OCOP. Các chủ thể OCOP vẫn duy trì sản xuất, tuy nhiên hàng lưu kho nhiều, mức giảm sản lượng sản xuất từ 20 – 40%. Về tiêu thụ và doanh thu, mức giảm bình quân của các sản phẩm OCOP từ 30 – 40%. Cụ thể đối với một số sản phẩm như sau: Cà phê mức giảm 25 – 30%; cao dược liệu, gạo hữu cơ, dầu lạc, muối đậu sả giảm 30 – 40 %; tinh dầu, nước mắm mức giảm 50 – 60%; một số sản phẩm mức giảm sâu như tinh bột nghệ, tranh gạo giảm từ 80% đến 90%.
Nguyên nhân chính của việc tụt giảm sản lượng, mức tiêu thụ và doanh thu là do việc lưu thông hàng hóa khó khăn, nhiều đơn hàng bị hủy hoặc không vận chuyển được, một số kênh phân phối, đại lý tiêu thụ tại các thành phố lớn bị đóng cửa, sức mua thấp.Việc kinh doanh qua sàn thương mại điện tử, facebook, livestream bán hàng trực tiếp mặc dù đã được các đơn vị xúc tiến thương mại hỗ trợ. Một số chủ thể đã chủ động triển khai nhưng đây là hình thức kinh doanh mới, các chủ thể OCOP chưa quen nên hiệu quả bước đầu mang lại chưa cao. Giá cả nguyên vật liệu đầu vào của một số sản phẩm tăng làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của chủ thể. Các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh hạn chế do đó việc phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19 (trong điều kiện bình thường mới) gặp rất nhiều khó khăn.
Giải pháp nào vượt khó?
Bà Phạm Thị Hương – Phụ trách bán hàng Công ty TNHH MTV Hoàng Tuấn Tùng (có sản phẩm măng muối chua và măng dầm tỏi ớt đạt chuẩn OCOP 3 sao) chia sẻ:“đơn vị xác định phải tăng cường quảng bá trên các trang mạng, kênh bán hàng online và tìm kiếm thị trường mới để thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Ngoài ra, công ty phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chủ động nghiên cứu phương thức cải tiến để không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, bao bì, đồng thời chủ động giảm 10% giá bán các sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, thu hút người tiêu dùng”.
Để tháo gỡ, hỗ trợ cho chủ thể OCOP khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. Bên cạnh sự chủ động, sáng tạo của chủ thể OCOP trong điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, cần có sự vào cuộc của chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước với các giải pháp trọng tâm sau:
Tạo điều kiện cho chủ thể OCOP được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm như vay vốn ưu đãi, hỗ trợ máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và sản xuất… Hỗ trợ chủ thể nâng cao năng lực và thực hiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng tính ổn định trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
z2945483602061 1deec0e2818bce950d93b1c979f9784b
Chi cục Phát triển nông thôn Quảng trị hỗ trợ máy sấy lạnh cho
Cơ sở sản xuất chế biến nông sản sạch Trần Lan - xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong

Nâng cao năng lực xây dựng và hỗ trợ phát triển thương hiệu cho các sản phẩm OCOP nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường. Tăng cường hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm thông qua việc hỗ trợ hoàn thiện mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa… Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mạng xã hội.
Ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP. Hỗ trợ các chủ thể OCOP tạo gian hàng trên các sàn thương mại điên tử có uy tín, có số lượng người truy cập lớn như Alibaba, lazada, shopee, Postmart, Voso…; hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP về kỹ năng bán hàng trực tuyến, kỹ năng xây dựng các clip quảng bá sản phẩm…
Tăng cường hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia chương trình giao thương, triển lãm thương mại, kết nối cung cầu trực tiếp và trực tuyến nhằm giúp các chủ thể OCOP gặp gỡ, chào hàng, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thiết lập mối quan hệ buôn bán, liên doanh, liên kết nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Trong tình hình dịch bệnh kéo dài, việc triển khai các chương trình kết nối trực tuyến được xem là một trong những giải pháp hiệu quả.Triển khai các hoạt động kết nối thông qua các chương trình B2Bonline, kết nối với các trung tâm xúc tiến thương mại tại các tỉnh/thành phố, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng sản phẩm OCOP tại Quảng Trị và các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tăng thị phần, hình ảnh sản phẩm OCOP Quảng Trị tại trung tâm các tỉnh/thành phố trong cả nước; góp phần giúp các chủ thể OCOP tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó nắm bắt nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng nhằm phục vụ cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm OCOP.

Tác giả bài viết: Hoàng Minh Trí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây