Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP từ chuyển đổi số

Thứ năm - 31/03/2022 04:56
Ứng dụng công nghệ thông tin đang góp phần làm thay đổi căn bản hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, doanh nghiệp. Đặc biệt, chuyển đổi số trong chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã hỗ trợ nông dân, HTX, tổ hợp tác tiêu thụ nông sản, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nâng cao uy tín sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Chuyển đổi số giúp các HTX tiêu thụ và quản lý sản phẩm OCOP thuận lợi ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Chuyển đổi số giúp các HTX tiêu thụ và quản lý sản phẩm OCOP thuận lợi ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chia sẻ tại hội thảo tổng kết Dự án Grant No.2000001752, TS Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết đến tháng 1/2022, cả nước có 6.010 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, thực phẩm chiếm 81%, đồ uống 6%, thảo dược chiếm 3%, đồ lưu niệm nội thất chiếm 8%, còn lại là nhóm sản phẩm may mặc và dịch vụ du lịch mỗi loại chiếm 1%.

Đến nay, có 20 sản phẩm OCOP quốc gia đạt 5 sao; 3.277 chủ thể có sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, doanh nghiệp chiếm 27%, HTX/tổ hợp tác (THT) chiếm 41%, các hộ kinh doanh chiếm 32%.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 tới nay, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP. Điều này khiến không ít sản phẩm bị tồn kho, các cơ sở sản xuất của các chủ thể rơi vào tình trạng cầm chừng

Theo khảo sát của Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn, dịch Covid-19 khiến 35% chủ thể OCOP trên địa bàn giảm doanh thu, 4% chủ thể hoàn toàn không có doanh thu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người dân, HTX, THT, doanh nghiệp.
 

Để giải quyết vấn đề này, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đã kết hợp với Văn phòng IFAD thực hiện dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn mới”.

Qua đó, các chủ thể OCOP được tiếp cận với các nền tảng thương mại điện tử để mở rộng các kênh phân phối, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, thúc đẩy mạnh mẽ khả năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân, HTX.

Tiêu biểu như tỉnh Bắc Kạn, dù dịch Covid-19 nhưng tỉnh đã xây dựng được 155 sản phẩm OCOP, 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP quốc gia là miến dong của HTX Tài Hoan được xuất sang các nước châu Âu và được đánh giá cao về chất lượng.

Hay tại tỉnh Hà Tĩnh, dù xảy ra dịch Covid-19 nhưng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, các sản phẩm OCOP đều được tiêu thụ thuận lợi, thậm chí là tiêu thụ mạnh mẽ hơn trước khi có dịch vì 100% sản phẩm OCOP đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử và nhu cầu mua hàng online gia tăng trong xã hội.

Ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết việc đưa sản phẩm lên môi trường số giúp cắt bớt các khâu trung gian, nên doanh thu của HTX, THT sẽ tăng lên, giá trị các mặt hàng OCOP được nâng cao.

Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm của các chủ thể, đặc biệt là các HTX, THT vẫn đang trong giai đoạn bước đầu, diễn ra còn chậm và còn gặp không ít khó khăn.

Theo chia sẻ của đại diện các địa phương, điều này là do chưa có hệ thống văn bản pháp luật cụ thể về sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP. Văn bản pháp luật về vấn đề này hiện chỉ lồng ghép vào các văn bản quy phạm pháp luật nên các chủ thể, địa phương chưa có cách triển khai rõ ràng.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin ở các địa phương vẫn chưa phát triển toàn diện nên ảnh hưởng đến việc kết nối của các chủ thể với khách hàng, chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong phát triển OCOP.

Ông Bùi Trường Minh, Trưởng phòng Phòng Truyền thông và Hợp tác quốc tế, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, cho biết để thúc đẩy phát triển các sản phẩm trong môi trường số thuận lợi, làm sao phải phát triển hạ tầng và kết nối internet đến cấp xã, thôn, bản; nâng cao được năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân, thành viên HTX; ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Điều này sẽ thúc đẩy được xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng mô hình làng thông minh.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh quản lý sản phẩm OCOP. Đồng thời tổ chức giao thương sản phẩm OCOP trên toàn quốc theo hướng hiện đại để đưa sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế.

Tác giả bài viết: Huyền Trang

Nguồn tin: vnbusiness.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây