Ngành Nông nghiệp khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế

Thứ tư - 10/01/2024 03:51
Năm 2023, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. Trong bối cảnh đó, Ngành luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân và đồng hành của các cơ quan truyền thông tạo sự đồng thuận của cả xã hội vượt qua khó khăn, thách thức để chuyển đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; duy trì đà tăng trưởng và đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế cả nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực Quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2023
Toàn Ngành thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ Tư duy sản xuất sang Tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm NLTS; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo đúng định hướng tại Nghị quyết "Tam nông" và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; nỗ lực vươn lên với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Vì vậy, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế (trong đó: Nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%). Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (Sản lượng lúa 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác 20,84 triệu m3, tăng 2,8%; lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng).
Lĩnh vực phát triển nông thôn và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm. Số sản phẩm OCOP vượt xa mục tiêu đề ra; các nhiệm vụ giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Trong tổng số 20 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn NTM  có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đến nay 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia;
Các Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hiệu quả được nhân rộng; số lượng HTX, trang trại tiếp tục tăng, dần thích nghi với cơ chế thị trường; cả nước có 96 Liên hiệp HTX NN và gần 20.500 HTX nông nghiệp, trong đó khoảng 65% xếp loại khá, tốt và gần 2.500 HTX NN ứng dụng CNC, chuyển đổi số; 4.339 HTX bao tiêu nông sản. Cả nước có 19.660 trang trại, trong đó 1.034 trang trại đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, 56 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, 4.235 trang trại có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thúc đẩy phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế nông thôn; chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, phát triển các sản phẩm chủ lực theo 3 trục sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đến nay, có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022); với 5.724 chủ thể tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 37,9% là HTX, 24% là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Công tác phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề được duy trì, quan tâm chỉ đạo đi vào thực chất, hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP, bảo tồn văn hóa dân tộc. Cả nước có 211 nghề truyền thống, 2.031 làng nghề, làng truyền thống đã được công nhận; tạo việc làm cho khoảng 3,7 triệu lao động; doanh thu các hoạt động ngành nghề nông thôn đạt trên 202.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 4-5 triệu đồng/lao động/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cả nước vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đó là: (1) Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng 03 Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủysản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão) chưa được ban hành đúng kế hoạch; (2) Xuất khẩu NLTS có nhiều điểm sáng, thặng dư thương mại đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng tổng giá trị xuất khẩu NLTS mới chỉ gần đạt chỉ tiêu Chính phủ giao. (3) Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng CNC để giảm chi phí trung gian, nâng cao GTGT chưa phổ biến. Công tác phối hợp điều tiết sản xuất và giá một vài mặt hàng thiết yếu (lợn, gia cầm,...) chưa thực sự hiệu quả. (4) Còn điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép. Các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng Việt Nam vẫn chưa gỡ được “Thẻ vàng” của EC; sạt lở bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn ra. (5) Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn những bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở kết quả năm 2023, mục tiêu đặt ra toàn ngành năm 2024 là: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 55 tỷ USD; Phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; có 290 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 82%; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02% nâng cao chất lượng rừng.
Để đạt được những mục tiêu đề ra như trên, toàn Ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, nhất là Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025... Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm NLTS; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.

Tác giả bài viết: Hoa Lệ - Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây