Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản trong điều kiện COVID-19

Chủ nhật - 30/05/2021 21:06
Để tìm giải pháp vừa phòng, chống COVID - 19 hiệu quả, vừa bảo đảm sản xuất, chế biến, đặc biệt là tiêu thụ nông sản, mới đây Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh.
Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản trong điều kiện COVID-19

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong những tháng đầu năm 2021, COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của nhiều nước đối tác của Việt Nam. Ở trong nước, COVID-19 đang tác động nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa; một số ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, trong đó có nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề… Nhưng với quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỉ USD (tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2021 đến các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 8,05 tỉ USD; khu vực châu Mỹ đạt 4,73 tỉ USD; khu vực châu Âu đạt 1,72 tỉ USD; khu vực châu Phi đạt 249 triệu USD; khu vực châu Đại Dương đạt 239 triệu USD…

Tại địa bàn Quảng Trị, thời gian qua với sự hỗ trợ của trung ương và tỉnh cùng với sự nỗ lực của người dân, đến nay đã hình thành, phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với trên 83 cơ sở chế biến. Trong đó, có 3 cơ sở chế biến hồ tiêu (công suất 1.741 tấn quả tươi/năm); 11 cơ sở chế biến cao su (công suất 33.600 tấn/năm); 3 nhà máy tinh bột sắn (công suất 60.160 tấn/ năm); 11 cơ sở chế biến cà phê bột (công suất 11 tấn /năm); 11 cơ sở chế biến cà phê thóc, nhân (công suất 20.000 tấn quả tươi/ năm); 14 cơ sở chế biến cao, trà thực vật (công suất 70 tấn/năm); 17 cơ sở xay xát lúa (công suất 2.000 tấn gạo/ năm); 10 cơ sở chế biến đậu phụ, sen, măng, điều…(công suất 50 tấn/năm)… Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết, các mặt hàng nông sản của tỉnh chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa nên ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Có một số mặt hàng nông sản xuất khẩu như tinh bột sắn, cao su… gặp một số khó khăn trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục thông quan tại các cửa khẩu. Chính khó khăn này đã làm giá bán nông sản giảm, hàng tồn kho tăng, ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu các mặt hàng nêu trên.

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện COVID-19, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kiến nghị các bộ, ngành trung ương, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp như: Các nhà máy chế biến nông sản tăng cường công suất và tập trung vào phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon, thủy sản đồ hộp chế biến, gạo, gia cầm chế biến… để chuẩn bị tốt nhất cho phương án hậu COVID-19, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU… Giảm thiểu mọi thủ tục trong khâu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GAP; tổ chức liên kết sản xuất, lưu thông, tận dụng lực lượng lao động tại chỗ thực hiện ngay tại vườn, giúp nông dân bán nông sản tại thị trường nội địa, xuất khẩu…

Đối với hỗ trợ chính sách thuế, tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến bảo quản và xuất khẩu nông sản, Ngân hàng Nhà nước triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các gói tín dụng đặc thù đối phó với COVID-19. Trong đó có thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, HTX, nông dân; thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay); tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh (thuộc diện chịu ảnh hưởng của dịch bệnh); triển khai chính sách ưu đãi lãi vay đối với các doanh nghiệp logistics, chế biến, bảo quản nông sản để kịp thời hỗ trợ dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa nông, lâm, thủy sản trong suốt thời gian chịu ảnh hưởng của COVID-19. Bộ Tài chính triển khai nhanh chóng các giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản…: miễn thuế, miễn tiền bến bãi, tiền điện, dịch vụ kho lạnh, bảo quản… cho các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản; xem xét giảm thuế tạm thời trong thời gian ngắn hạn đối với ngô, lúa, mì…; giảm các mức chi phí logistics với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu…

Đối với việc thúc đẩy toàn diện tiêu thụ trong nước, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT chuẩn bị đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa, kích cầu tiêu dùng trong nước để chuẩn bị cho vụ thu hoạch rau, củ, quả; vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó có sản phẩm nông sản; hỗ trợ phân phối sản phẩm trên thị trường online trực tuyến và hỗ trợ dịch vụ nhận hàng mua, bán sản phẩm, lưu thông sản phẩm với chi phí tối thiểu. UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt các Công điện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương trong phòng, chống dịch bệnh; thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường tiêu thụ; áp dụng nhanh chóng các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản lạnh và sửa chữa, nâng cấp, sử dụng hiệu quả các cơ sở bảo quản lạnh trên địa bàn để sử dụng khi nông sản tiêu thụ khó khăn; thành lập các trung tâm thu mua nông sản cơ động tại các tỉnh và kiểm soát thu mua từ các HTX để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu khi dịch bệnh đã được kiểm soát; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nhằm đảm bảo thông suốt trong lưu thông vật tư nông nghiệp và nông sản trong thời gian cách ly, ứng phó với dịch bệnh.

Đối với các hiệp hội ngành hàng nông sản cần phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương tập trung đẩy mạnh tiêu thụ nội địa; phát triển và nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ, giúp ổn định về giá cả và đầu ra cho nông dân; ứng dụng và đẩy mạnh phát triển các hình thức tiêu thụ nông sản qua các loại hình phân phối bán lẻ online; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản khác nhau (có lợi thế) bên cạnh thị trường truyền thống…

Tác giả bài viết: An Phong

Nguồn tin: baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây