Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX Nông nghiệp du lịch Khe Sanh (Quảng Trị), cho biết đất đa mục đích lần đầu tiên xuất hiện trong Luật Đất đai 2024 là chủ đề nóng hổi, vì tác động lớn và toàn diện trong vấn đề du lịch nông nghiệp mà HTX đang theo đuổi.
Trước 1/8/2024, du lịch nông nghiệp "khó phát"
Điều Giám đốc HTX Khe Sanh chia sẻ có thể thấy rõ khi nhìn lại Luật Đất đai 2013 chưa tạo ra một cơ sở vững chắc nào để du lịch nông nghiệp có thể phát triển. Điều này đồng nghĩa, các HTX gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai, phát triển mô hình được cho là có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới trên cả nước.
Luật đất đai vốn là bộ luật được đánh giá là chi phối nhiều luật, văn bản pháp luật khác như luật về nông nghiệp, lâm nghiệp, đấu thầu, xây dựng…, vì đất đai là nguồn lực sản xuất của nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Tuy nhiên, về vấn đề pháp lý, theo các chuyên gia, Luật Đất đai 2013 chưa có những quy định về loại đất làm du lịch nông nghiệp mà chỉ có một số phương thức để người làm loại hình này ứng dụng.
Do bị vướng về vấn đề này nên theo bà Nguyễn Thị Hằng, các đơn vị như HTX Khe Sanh cũng không thể xây dựng được bất cứ thiết chế nào trên đất nông nghiệp. Bởi đất nông nghiệp chỉ được làm nông nghiệp, không được đón khách, làm các dịch vụ…
Cũng bởi chưa có quy định cụ thể về các loại hình du lịch nông nghiệp như farmstay, homestay nên các địa phương thời gian qua cũng chỉ làm được du lịch nông nghiệp dưới hình thức mô hình, đề án thí điểm. Tiêu biểu như tại tỉnh Lâm Đồng, TP Cần Thơ... đang áp dụng theo hướng này.
TS Bùi Thị Lan Hương, chuyên gia du lịch nông nghiệp, cũng cho rằng Luật Đất đai 2013 chưa thống nhất với Luật Lâm nghiệp vì Luật Lâm nghiệp cho phép làm du lịch dưới tán rừng, còn Luật Đất đai thì không cho phép. Do đó, các HTX muốn làm du lịch dưới tán rừng rất khó phát triển.
Vì pháp lý bị “tắc nghẽn” nên những HTX, doanh nghiệp muốn phát triển mô hình này thường ở trong thế bị động, mơ hồ, lúng túng. Anh Trần Văn Toàn, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông - Buôn Đôn (Đắk Lắk), chia sẻ vì chưa có cơ chế nên suốt thời gian qua, dù HTX có làm việc với chính quyền thì cũng rất khó khăn bởi không ai dám quyết định, ký quyết định về mô hình du lịch nông nghiệp nên không thể cấp phép cho mô hình này hoạt động “công khai minh bạch”.
“Do đó, du lịch nông nghiệp dù được một số bộ ngành khuyến khích nhưng thực chất vẫn gặp rất nhiều khó khăn”, Giám đốc HTX Phú Nông - Buôn Đôn giãi bày.
Đặc biệt, khi Luật Đất đai 2024 chưa có hiệu lực, các HTX buộc phải làm theo kiểu du lịch sinh thái (đề án). Nhưng hình thức này thường phải qua hàng chục bước và phải mất 2-3 năm hoặc dài hơn mới có các giấy phép du lịch sinh thái, vì có rất nhiều phòng ban, bộ, ngành tham gia vào việc quyết định ra giấy phép.
Ngoài cách trên, các HTX buộc phải làm mô hình homestay kết hợp trang trại. Tức là HTX buộc phải xin giấy phép song song cho 2 loại hình này mới được hoạt động. Cuối cùng, nhiều HTX phải xin giấy phép cho mô hình bãi cắm trại du lịch, vì đây là mô hình được phép hoạt động theo quy định pháp luật.
Ts Bùi Thị Lan Hương cho biết, việc phải xin giấy phép theo các hình thức trên cũng không đơn giản với các HTX do phải trải qua nhiều khâu làm thủ tục hồ sơ. Bên cạnh đó, do chưa có tính chính thống theo quy định pháp luật nên thực chất nhiều mô hình du lịch dù đã đầu tư nhưng bị địa phương bắt tháo dỡ, gây thiệt hại lớn.
Kỳ vọng bước chuyển đột phá
Tuy nhiên, từ ngày 1/8/2024, Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực được coi là một bước chuyển quan trọng cho các HTX, doanh nghiệp làm trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp. Bởi cụm từ “đất kết hợp đa mục đích” lần đầu tiên được xuất hiện trong Luật chính là “cơ sở để hợp pháp hóa mô hình du lịch nông nghiệp và các hoạt động thương mại, dịch vụ trên đất nông nghiệp - (Điều 218 Luật Đất đai 2024).
Luật cũng nêu rõ “đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp thương mại dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh…”.
Theo Kiến trúc sư, Nhà hoạch định chiến lược Phạm Thanh Tùng, chuyên gia về farm và kiến trúc sinh thái, trước đây, đất thương mại chỉ được sử dụng vào mục đích thương mại, đất nông nghiệp chỉ được sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Muốn sử dụng vào mục đích khác thì nhà đầu tư phải làm chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Mà muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất là nhà đầu tư phải có đề án cụ thể mới được huyện, tỉnh thay đổi mục đích sử dụng của khoảnh đất đó. Nhưng điều này rất khó vì luật pháp chưa rõ ràng, cơ chế ở địa phương chậm thay đổi. Nhưng nay, khi làm du lịch trên đất nông nghiệp, HTX có thể xây dựng một số thiết chế cơ bản để làm các dịch vụ đón khách.
Ngoài ra, khoản 7, 8, 9 Điều 248 của Luật Đất đai 2024 đã sửa đổi bổ sung cho Luật Lâm nghiệp 2017 về việc được tổ chức du lịch trong rừng đặc dụng, phòng hộ. Như vậy, từ đây đã chính thức cho phép làm du lịch dưới tán rừng.
Ông Phạm Thanh Tùng cho rằng, nhờ Luật Đất đai 2024, có thể nói du lịch nông nghiệp được khơi thông, không còn tắc nghẽn về mặt pháp lý. Trong khi điều kiện khí hậu, kinh tế nông nghiệp, địa hình của Việt Nam rất thích hợp để phát triển du lịch nông nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn về mô hình này.
“Không ai có thể cấm đoán làm du lịch nông nghiệp từ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Trừ khi có một số khó khăn ở phía cơ quan quản lý địa phương trong việc tiếp cận Luật có thể chậm”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của HTX, anh Trần Văn Toàn chia sẻ, đây cũng là khung khổ, căn cứ để cơ quan quản lý tư vấn cho các đơn vị đầu tư về việc xây dựng mô hình này một cách phù hợp với điều kiện, kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp tại địa phương.
Còn về mặt thị trường, các quy định mới trong Luật Đất đai 2024 sẽ tạo điều kiện cho HTX làm trong lĩnh vực này phát triển, từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương.
Nguồn tin: vnbusiness.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn