Những năm gần đây, nhóm nghề chiết xuất tinh dầu trên địa bàn huyện Vĩnh Linh khá phát triển. Năm 2023, HTX Nông nghiệp Sinh thái Vĩnh Chấp, xã Vĩnh Chấp được thành lập là đơn vị đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực chiết xuất tinh dầu từ dược liệu thiên nhiên. Trong đó tinh dầu tràm và tinh dầu sả chanh là 2 sản phẩm chính.
Thời gian đầu đi vào hoạt động, HTX chủ yếu thu mua nguyên liệu từ các địa phương khác nên sản xuất rất bị động. Có khi nguồn cung không đủ cầu, giá cả bấp bênh, chi phí vận chuyển khá lớn... Để chủ động sản xuất, HTX đã xây dựng vùng trồng nguyên liệu với diện tích 3,3 ha, trong đó phần lớn là trồng cây tràm gió.
Anh Nguyễn Thái Duyện, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sinh thái Vĩnh Chấp cho biết: “Qua tìm hiểu từ thực tế, cây tràm gió phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Bình quân mỗi héc ta tràm cho thu hoạch từ 7-10 tấn nguyên liệu tươi. Với 1 tấn lá cây tràm gió sẽ chiết xuất khoảng 3 lít tinh dầu. Hiện nay, mỗi tháng HTX sản xuất bình quân 40 lít tinh dầu tràm và 80 lít tinh dầu sả. Với diện tích trồng hiện có, tuy vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất nhưng phần nào giúp HTX chủ động hơn về nguồn nguyên liệu.
Bên cạnh đó, HTX đã đầu tư thêm thiết bị, máy móc để hoàn thiện các khâu sản xuất. HTX cũng được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng chứng nhận thương hiệu, thiết kế nhãn mác và xây dựng sản phẩm OCOP. Tháng 9/2024, sản phẩm tinh dầu tràm của HTX đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao và cũng là cơ sở sản xuất đầu tiên của huyện Vĩnh Linh được nhận chứng chỉ ISO 9001:2015. Để sản xuất thuận lợi cũng như nâng tầm chất lượng cho sản phẩm, dự kiến chúng tôi sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu trong thời gian tới”.
Địa bàn huyện Vĩnh Linh hiện có khoảng 10 cơ sở, HTX kinh doanh trên lĩnh vực sản xuất dược liệu. Để đảm bảo vùng nguyên liệu cho sản xuất, nhiều DN, HTX đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu như Công ty Cổ phần dược liệu Bắc Hiền Lương ở thôn Thủy Ba Đông, xã Vĩnh Thủy đã quy hoạch được vùng trồng 50ha tràm; Công ty Lâm nghiệp Bến Hải quy hoạch vùng trồng 3 ha tràm...
Cùng với đó, huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, tạo vùng nguyên liệu để chế biến sâu các sản phẩm, tham gia liên kết theo chuỗi giá trị có hiệu quả. Qua đó, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Năm 2024, huyện đã ban hành quyết định phê duyệt dự án “Xây dựng vùng nguyên liệu tràm gió lấy tinh dầu tại xã Vĩnh Tú và xã Vĩnh Chấp” với diện tích 4,3 ha, kinh phí thực hiện trên 388,4 triệu đồng. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 162,8 triệu đồng và 225,6 triệu đồng là nguồn đối ứng từ các hộ tham gia dự án.
Đến tháng 9/2024, Vĩnh Linh có 14 sản phẩm OCOP, gồm 3 sản phẩm 4 sao và 11 sản phẩm 3 sao. Huyện cũng đã xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu được chứng nhận hữu cơ, VietGAP và tương đương, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của huyện như hồ tiêu, lúa, chăn nuôi, cây ăn quả.
Trong đó, có 31,5 ha hồ tiêu được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và 3,69 ha hồ tiêu theo tiêu chuẩn; có 5 ha lúa được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap đối với vùng sản xuất lúa của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đặng Xá, xã Vĩnh Lâm; có 7 ha vùng trồng cam của HTX Cây ăn quả Bến Quan và 4,5 ha dưa hấu của HTX Nông nghiệp Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú được chứng nhận VietGAP...
Vùng nguyên liệu này sẽ là yếu tố quan trọng để các chủ thể phát triển thêm những sản phẩm OCOP chất lượng cao. Qua đó, không chỉ hướng đến mục đích thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn.
Theo kế hoạch từ nay đến năm 2025, huyện Vĩnh Linh có 20 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao được chứng nhận. Trong đó, có ít nhất 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Một trong những tiêu chí hàng đầu của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo nguồn cung sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Do vậy, trong thời gian tới, huyện Vĩnh Linh tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp. Trong đó, hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương sản xuất theo hướng hàng hóa...
Đồng thời tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển các sản phẩm trên cơ sở lợi thế vùng nguyên liệu và khôi phục, phát huy các làng nghề, nghề truyền thống, ứng dụng những giải pháp về khoa học công nghệ, chuyển đổi số để phát triển và kiểm soát chất lượng các vùng nguyên liệu của sản phẩm OCOP.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn