Phát huy vai trò của hợp tác xã trong xây dựng sản phẩm OCOP

Thứ năm - 19/09/2024 21:16
Cùng với việc củng cố, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), góp phần đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo động lực phát triển.
Sản phẩm gạo sạch Vĩnh Lâm của HTX Đặng Xá, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh được đóng gói đúng quy cách trước khi xuất bán ra thị trường -Ảnh: BẢO BÌNH
Sản phẩm gạo sạch Vĩnh Lâm của HTX Đặng Xá, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh được đóng gói đúng quy cách trước khi xuất bán ra thị trường -Ảnh: BẢO BÌNH

Những ngày qua, các thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đặng Xá (gọi tắt là HTX Đặng Xá), xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh khẩn trương hoàn thành việc đóng gói sản phẩm gạo Vĩnh Lâm vừa được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao để xuất bán ra thị trường. Sản xuất gạo sạch theo tiêu chuẩn VietGap được 4 vụ mùa từ năm 2023, vụ hè thu năm nay, HTX đã hoàn thành sản phẩm theo các tiêu chí OCOP để được chứng nhận.

HTX hiện có 150 thành viên, diện tích sản xuất lúa là 104 ha, trong đó có hơn 23 ha dành để sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap, tham gia đánh giá, phân hạng OCOP năm 2024. Giám đốc HTX Đặng Xá Hoàng Quang Lâm cho biết, HTX trực tiếp thu mua lúa tươi tận chân ruộng cho nông dân với mức giá hơn 70.000 đồng/kg, cao hơn so với sản xuất lúa thông thường. “Người dân có nhiều thuận lợi khi HTX thu mua tại ruộng là không phải mất công, chi phí vận chuyển lúa tươi về phơi, cất trữ, giá bán lúa tươi cũng cao hơn.

Sau khi thu mua, HTX thực hiện các công đoạn xay xát, đóng gói theo đúng tiêu chuẩn rồi xuất bán sản phẩm gạo sạch ra thị trường. Hiện nay, với sự hỗ trợ nguồn vốn của Chi cục Phát triển nông thôn, HTX đang xây dựng nhà xưởng chế biến với số vốn 640 triệu đồng, trong đó HTX đối ứng 30%. Chúng tôi hy vọng sản phẩm gạo Vĩnh Lâm đã được chứng nhận các tiêu chuẩn, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao sẽ đáp ứng nhu cầu rộng rãi của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”, ông Lâm chia sẻ.

Đến nay, huyện Vĩnh Linh có 14 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao, 11 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Lê Thị Thúy Kiều cho biết, hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn huyện đã quan tâm, chú trọng phát triển sản phẩm đặc thù của địa phương, xây dựng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Năm 2024, có 10 ý tưởng mới đăng ký tham gia chương trình OCOP, nhiều HTX đã tham gia tích cực như HTX Đặng Xá ở Vĩnh Lâm, HTX Nông sản sạch Vĩnh Tú, HTX Sinh thái Vĩnh Chấp, HTX Nông sản xanh Vĩnh Hòa, HTX Hương thảo mộc VT ở Vĩnh Thủy. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy chương trình OCOP ngày càng được các chủ thể là HTX quan tâm.

Toàn tỉnh hiện có 138 sản phẩm OCOP, trong đó có 43 sản phẩm 4 sao, 95 sản phẩm 3 sao. Có 76 chủ thể OCOP, trong đó có 21 chủ thể là HTX, 9 chủ thể là tổ hợp tác, 22 chủ thể là doanh nghiệp, 24 chủ thể là hộ sản xuất, kinh doanh.

Thực tế, số lượng chủ thể là HTX tham gia chương trình OCOP vẫn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Với hầu hết các HTX đã có sản phẩm được công nhận đạt OCOP từ 3-4 sao đều nhận thấy được lợi ích khi tham gia chương trình.

Theo đó, các HTX được nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất, được hỗ trợ tư vấn phát triển, hoàn thiện sản phẩm...Mặt khác, khi tham gia chương trình, các HTX sẽ được ngành chức năng hỗ trợ kết nối, mở rộng giao thương để tiếp cận với thị trường xuất khẩu thông qua các hội chợ thương mại, hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Qua đó, đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho các thành viên HTX.

Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có 4 - 6 HTX nông nghiệp có thêm sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Để hỗ trợ các HTX tham gia chương trình OCOP, ngoài các chính sách hỗ trợ hiện có của tỉnh, cần có thêm nhiều dự án hỗ trợ hạ tầng, thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Quan tâm bố trí thêm ngân sách để hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị và các nội dung liên quan đến nâng cao năng lực cho cán bộ HTX; thu hút lao động trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp. Các địa phương quan tâm hỗ trợ các HTX nông nghiệp tiếp cận các nguồn lực thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Tháo gỡ các chính sách hiện nay còn vướng mắc, hạn chế đối tượng HTX nông nghiệp tiếp cận như tín dụng, đất đai...

Liên minh HTX tỉnh cần tiếp tục quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ HTX. Đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tham gia chương trình OCOP. Trên cơ sở đó, các HTX tiếp tục phát huy nội lực, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, tập trung quản lý, xây dựng, phát triển các sản phẩm thế mạnh thành chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP.

Mặt khác, cần tích cực nâng cao chất lượng các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập cao hơn cho HTX và thành viên.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây