Hiệu quả từ các mô hình tham gia thí điểm đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Thứ tư - 11/09/2024 21:46
Triển khai thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện theo lộ trình quy định của Đề án. Sau gần 04 năm triển khai thực hiện, các mô hình HTX tham gia đề án đã phát huy hiệu quả tích cực.
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
  Đối với  HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thương mại nông nghiệp Tân Hợp, xã Tân  Hợp, huyện Hướng Hóa (Đăng ký tham gia mô hình HTX sản xuất sản phẩm OCOP, gắn với du lịch nông thôn, miền núi): Đây là một HTX trên địa bàn miền núi, quản lý điều hành là phụ nữ, có nhiều thành viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo, qua gần 4 năm triển khai thực hiện, đến nay tình hình hoạt động của HTX đã có nhiều thay đổi tích cực, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của mô hình. Doanh thu năm 2021 là 8,2 tỷ đồng đến năm 2022 là 2,6 tỷ đồng và đến hết năm 2023 tăng lên 4,1 tỷ đồng. Tổng tài sản HTX là 2,3 tỷ đồng. Trình độ cán bộ quản lý HTX từ cao đẳng trở lên, HTX thực hiện đóng BHXH cho đội ngũ quản lý HTX. Đã thu hút thêm 18 thành viên khi tham gia đề án. HTX đã thực hiện được liên kết trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của thành viên và người dân trên địa bàn, thực hiện mô hình liên kết với Công ty cổ phần Nafooods Group để tiêu thụ sản phẩm chanh leo cho thành viên HTX với diện tích gần 30 ha, ngoài ra HTX còn thực hiện liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn để liên kết tiêu thụ cho khoảng 200 ha chanh leo, hiện nay HTX tiếp tục triển khai liên kết trồng cây dược liệu với quy mô 30 vạn cây giống với diện tích 25 ha. Đối với hoạt động du lịch, HTX đã đầu tư xây dựng điểm du lịch thông qua việc đầu tư các vườn hoa, vườn dâu tây, trang trại trải nghiệm về cây ăn ăn quả, dược liệu, ngắm cảnh, checkin, đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, trong đó có cả khách nước ngoài từ các tour kết nối với Huế đến tham quan, trải nghiệm, hàng năm thu hút khoảng hơn 7.000 lượt khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 300 triệu đồng. Hiện nay, HTX đã có 01 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

 Đối với HTX dược liệu Trường Sơn, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Đăng ký tham gia mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản): Là một HTX mới thành lập, qua 04 năm triển khai thực hiện mô hình, đến nay HTX đã trở thành điểm sáng trong các mô hình hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh, là nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều đoàn công tác trong và ngoài tỉnh. Doanh thu HTX năm 2021 là 3,5 tỷ đồng, năm 2022 là 7,5 tỷ đồng, đến năm 2023 tăng lên 22 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt 268 triệu đồng/năm. Tổng tài sản HTX đạt 4 tỷ đồng. Có 100% cán bộ quản lý có trình độ đại học, 100% người lao động của HTX được đóng bảo hiểm xã hội. Đã thu hút thêm 15 thành viên khi tham gia đề án. Về liên kết trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, hiện nay HTX đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại, xây dựng thương hiệu và bảo hộ thương hiệu thành công; Xây dựng được chuỗi giá trị liên kết với các hộ nông dân xã Cam Thuỷ trồng cây tràm năm gân để làm nguyên liệu với diện tích 15 ha. Các sản phẩm dược liệu của HTX rất đa dạng và phong phú, chất lượng cao, đã được cung cấp ra thị trường cả nước và được khách hàng tin dùng, HTX đã có 03 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Được tặng thưởng nhiều thành tích cao quý như năm 2022 được UBND Tỉnh tặng cờ thi đua dẫn đầu phong trào, được UBND tỉnh tặng bằng khen đã có thành tích trong nghĩa vụ nộp thuế năm 2023.

Đối với HTX nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong (Đăng ký tham gia mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất): Là một Hợp tác xã được chuyển đổi từ mô hình hợp tác xã kiểu cũ, sau 4 năm triển khai thực hiện mô hình, đến nay HTX nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong đã có hướng đi đúng đắn phù hợp với xu thế phát triển khi mạnh dạn chuyển hướng sản xuất theo hướng hữu cơ. Doanh thu năm 2021 là 1,86 tỷ đồng, đến năm 2023 là 2,25 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng từ 69 triệu năm 2021 lên 204 triệu năm 2023. Tổng tài sản HTX đạt 3,6 tỷ đồng. Trình độ cán bộ quản lý HTX có 01 đại học và 02 trung cấp. HTX thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ giống ST25 với diện tích 38 ha. Một số đối tác liên kết của HTX như: Siêu thị Co.op Mart Đông Hà; Cửa hàng Nông sản sạch của HTX tại Đông Hà; Cửa hàng Thảo Mart tại Thị xã Quảng Trị; Các đại lý ở Quảng Bình, Đà Nẵng; Công ty cổ phần DOPF Hà Nội; Công ty TNHH và DV XNK Khôi Minh quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh; Đặc biệt là công ty VITA MART Đà Nẵng hằng năm thu mua từ 100 – 150 tấn lúa hữu cơ và lúa canh tác tự nhiên. HTX đã thực hiện quy hoạch, tập trung tích tụ ruông đất với diện tích tăng đến 61 ha, ngoài ra HTX đang tiếp tục khảo sát để mở rộng một số vùng liền kề để tập trung vùng diện tích như đơn vị Triệu Tài, Triệu Sơn, mỗi đơn vị có từ 25 - 30 ha trở lên để áp dụng công nghệ cao trong sản xuất chăm bón. Hiện tại sản phẩm Gạo Sạch Triệu Phong đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và có 11ha sản xuất lúa hữu cơ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Quốc gia.

Đối với HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp Văn Quỹ, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng (Đăng ký tham gia mô hình Hợp tác xã nông nghiệp đảm nhiệm dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra  trong chuỗi giá trị nông sản): Là một Hợp tác xã được chuyển đổi từ mô hình hợp tác xã kiểu cũ, với đông thành viên, bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, qua 04 năm tích cực triển khai mô hình, đến nay HTX đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Doanh thu năm 2021 là 3,2 tỷ đồng, năm 2022 là 4,2 tỷ đồng, năm 2023 là 5,2 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt 345 triệu đồng/năm. Tài sản HTX 10 tỷ đồng. Trình độ cán bộ quản lý HTX gồm 02 đại học và 02 trung cấp. Đã xây dựng được chuỗi giá trị liên kết giữa các hộ nông dân và các Công ty để sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ 30 ha, lúa giống 40 ha và lúa thương phẩm 50 ha đã tạo ra giá trị cao trên đơn vị diện tích từ 80 triệu đến 100 triệu/ha canh tác. Ngoài ra HTX đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đầu tư máy móc trang thiết bị, nhà xưởng, sử dụng hợp đồng máy bay không người lái (Drone) để phun thuốc BVTV và các chế phẩm trong canh tác hữu cơ.

 Đối với HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Đăng ký tham gia mô hình Hợp tác xã nông nghiệp đảm nhiệm dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản):  Là HTX được chuyển đổi từ kiểu cũ, địa bàn rộng lớn, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, đến nay HTX đã có nhiều thay đổi tích cực. Doanh thu năm 2021 là 3,5 tỷ đồng, năm 2022 là 4,3 tỷ đồng, năm 2023 là 5 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt 250 triệu đồng/năm. Tài sản HTX là 4,2 tỷ đồng. Trình độ cán bộ quản lý HTX có Chủ Tịch HĐQT đã qua đào tạo quản lý nhà nước, Trung cấp chính trị; phó Giám đốc và kế toán trình độ đại học; ngoài ra hàng năm 100% cán bộ chủ chốt được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn. Ban Giám Đốc, Kế toán đều sử dụng thành thạo máy vi tính. Cán bộ HTX làm việc thường xuyên trong HTX đã được đóng BHXH, BHYT từ năm 2004 đến nay. Đã thu hút thêm 10 thành viên khi tham gia đề án (từ 291 thành viên năm 2021 lên 301 thành viên năm 2024). Về liên kết trong sản xuất, kinh doanh của HTX, HTX đã ký kết hợp đồng sản xuất 30 ha lúa giống và 30 ha lúa thương phẩm, ngoài ra HTX còn hợp đồng với Tập đoàn Lộc Trời đưa công nghệ bay không người lái (drone) để phun thuốc BVTV đạt trên 90% số hộ thành viên tham gia; tham gia làm mô hình sạ cụm, mô hình trồng rừng gỗ lớn keo lai nuôi cấy mô với Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Tham gia đề án vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ do Bộ nông nghiệp và PTNT chủ trì thực hiện.

 Như vậy, việc xây dựng các mô hình HTX kiểu mới thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển. Các HTX tham gia đề án nói trên đều có sự đồng thuận của thành viên, có quy mô sản xuất lớn, thực hiện tốt việc liên kết với doanh nghiệp cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra, tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao, có chiến lược, định hướng phát triển, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Các hợp tác xã đã chủ động, mạnh dạn rà soát tổ chức, hoạt động, kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX; chủ động giải quyết, khắc phục các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa các quy trình để quản trị HTX một cách hiệu quả. Các chính sách, nội dung hỗ trợ cho các hợp tác xã đã phát huy hiệu quả, giúp các hợp tác xã chú trọng hơn trong việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, đem lại thu nhập cho các thành viên hợp tác xã, người lao động trên địa bàn.

Nguồn tin: Hoa Lệ, Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

dang ky sp
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây