Chị Hằng đồng thời cũng là thành viên của Tổ hợp tác ném Thuần Việt, xã Hải Dương. Tốt nghiệp đại học với ngành kỹ sư công nghệ sinh học, nhiều năm qua chị Hằng luôn suy nghĩ cách làm để tăng giá trị cho cây ném xã Hải Dương quê mình.
Cây ném là cây trồng truyền thống từ xưa của người dân địa phương và cũng là nguồn thu nhập chính của bà con. Toàn xã Hải Dương hiện có diện tích 62 ha trồng ném, chủ yếu ở vùng cát. Với lợi thế diện tích vùng cát lớn, có độ ẩm cao, những năm qua người dân xã Hải Dương đã canh tác, sản xuất từ nhỏ lẻ đến tập trung và xây dựng nên thương hiệu ném Hải Dương, góp phần nâng cao giá trị cho cây gia vị đặc trưng của địa phương.
Cây trồng chủ lực này cũng từng bước cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường cả về số lượng và chất lượng. Theo chị Hằng, thực tế ném Hải Dương khi đưa ra thị trường cũng dễ lẫn lộn về màu sắc, kích thước với ném của các vùng sản xuất khác như: Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị); Điền Lộc (Thừa Thiên Huế)... Riêng chỉ có mùi vị cay nồng đặc trưng của ném vùng cát Hải Dương thì tương đối khác với các vùng sản xuất khác.
“Chính vì điều này đã thúc đẩy bản thân tôi nghiên cứu và cùng Tổ hợp tác ném Thuần Việt duy trì, mở rộng và phát triển sản phẩm ném OCOP 3 sao theo hướng sản xuất an toàn, chế biến sâu nhằm tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ ở miền Trung, tiến đến thị trường các tỉnh phía Bắc và Nam. Từ những nghiên cứu, thử nghiệm cho thấy chế biến ném lá, ném củ thành ném sấy khô bằng 2 phương pháp (phi trong dầu hoặc sấy lạnh) đều cho được mùi vị thơm ngon, được các thành viên trong tổ hợp tác cũng như những người thử nghiệm khác đánh giá cao”, chị Hằng cho biết.
Theo chị Hằng, xu hướng thị trường ngày càng có nhiều vùng miền dùng củ ném làm gia vị thay cho củ hành là một lợi thế cho phát triển sản phẩm ném chế biến sâu. Và mặc dù được thiên nhiên ưu ái cho vùng đất cát rộng lớn để có thể sản xuất ném nhưng thời tiết nắng nóng kéo dài nên rất khó để bảo quản củ ném đảm bảo chất lượng.
Nhằm làm giảm sự hao hụt, hư hỏng của sản phẩm, Tổ hợp tác ném Thuần Việt đã sử dụng phương pháp đóng gói bằng túi lưới và túi hút chân không sản phẩm ném thô trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, để đảm sản phẩm bán được quanh năm thì cần phải tính đến việc chế biến sâu sản phẩm ném lá, ném củ thành ném sấy khô (gia vị đóng gói sẵn).
“Theo đó, chúng tôi đã nghiên cứu phương pháp thái nhỏ, sấy lạnh lá ném, củ ném và đóng gói hút chân không với trọng lượng từ 300 gam - 1 kg nhằm dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng. Điều này không chỉ giúp giảm bớt thời gian sơ chế lá ném, củ ném trước khi nấu mà còn thúc đẩy sản phẩm tiếp cận thị trường xa hơn, rộng lớn hơn”, chị Hằng cho biết.
Mặt khác, chế biến ném lá, ném củ thành ném sấy khô sẽ kéo dài thời gian bảo quản, dễ đóng gói, vận chuyển, tăng khả năng tiếp cận thị trường, giá bán sản phẩm cũng cao hơn, qua đó tăng thu nhập cho người trồng ném.
Hiện nay, 2 dòng sản phẩm ném lá và ném củ tươi thì đã có thương hiệu (ném Hải Dương), được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Còn với 2 sản phẩm ném lá, ném củ chế biến sâu bằng phương pháp sấy lạnh thì Tổ hợp tác ném Thuần Việt đang xúc tiến thiết kế bao bì, tem nhãn để hoàn thiện sản phẩm. Bước đầu, những sản phẩm ném chế biến sâu bằng phương pháp sấy lạnh của tổ hợp tác đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm.
Qua quá trình sản xuất thương mại, tiêu thụ sản phẩm ném của tổ hợp tác cho thấy nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu, tiềm năng thị trường còn khá lớn. Được biết, thời gian qua các sản phẩm ném lá, ném củ tươi và các sản phẩm chế biến từ cây ném của xã Hải Dương đã được tiêu thụ không chỉ ở trong tỉnh mà còn được trưng bày, giới thiệu quảng bá, tiêu thụ khá nhiều tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đà Nẵng... và trên các trang mạng xã hội.
“Hiện chúng tôi đang làm các thủ tục cần thiết để chuyển đổi từ Tổ hợp tác ném Thuần Việt trở thành Hợp tác xã ném Thuần Việt nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh, dự kiến trong tháng 4 tới sẽ hoàn thành. Sau khi thành lập hợp tác xã, chúng tôi sẽ kêu gọi đầu tư, mua sắm các loại máy móc như: máy thái nhỏ lá ném, củ ném, máy sấy lạnh, máy đóng gói để hoàn thiện sản phẩm.
Với những nghiên cứu, tính toán kỹ về nhu cầu của khách hàng, xu hướng của thị trường, chúng tôi tin tưởng các sản phẩm ném chế biến sâu sẽ thành công, góp phần nâng cao giá trị, thu nhập của cây ném vùng cát xã Hải Dương nói riêng và huyện Hải Lăng nói chung”, chị Hằng chia sẻ.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn